Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
spot_img

Ngày thơ lục bát “Hà Nội lính” và “Hà Nội làng”

Có một Ngày Thơ độc đáo, góp phần tôn vinh Lịch sử, truyền thống và mang đậm màu sắc văn hoá dân tộc; bắt nguồn từ những sự kiện “Lễ hội Lục Bát” đã được tổ chức nhiều năm liên tục, đó là “Ngày Thơ Lục Bát” diễn ra vào dịp 6/8 âm lịch hằng năm, tại Hà Nội và một số tỉnh thành, do Cộng đồng những người yêu thơ Lục Bát phối hợp với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Tổ chức Trái tim Người lính và CLB Thơ Việt Nam một số tỉnh, thành… tổ chức nhiều năm qua, kể từ năm Kỷ Sửu – 2008, bằng kinh phí xã hội hóa.

Mỗi năm một chủ đề khác nhau, năm nay hưởng ứng các hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Ngày Thơ Lục Bát được tổ chức với chủ đề hoàn toàn mới: “Hà Nội lính” và “Hà Nội làng”. Đó là chủ đề rất mới của “Ngày Thơ Lục Bát năm Giáp Thìn – 2024″, được tổ chức tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024; do Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam phối hợp với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và Tổ chức “Trái tim người lính” thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa.

“Hà Nội lính” và “Hà Nội làng” mang ý nghĩa gì?

Chúng ta đã quen thuộc với hình ảnh Hà Nội của những phố phường ngàn năm văn hiến, đó là “Hà Nội phố”. Nhưng từ những ngày này của 70 năm trước, khi những đoàn quân đội mũ nan tre bọc vải, cài lá ngụy trang, trùng trùng tiến vào các cửa ô tiếp quản thành phố, thì hình ảnh của những anh Bộ đội Cụ Hồ với màu xanh áo lính; dù là thời bom rơi, đạn nổ, lửa khói ngút trời, hay khi đất đã hòa bình, cũng chưa bao giờ vắng bóng trên đường phố Thủ đô. Có lẽ vì thế, mà con phố nhỏ Lý Nam Đế ở Hà Nội còn được gọi là “Phố Nhà Binh”.

Cùng với sự phát triển và mở rộng của Thủ đô, ngoài những tòa nhà cao tầng mọc lên, những phố đi bộ lung linh ánh đèn, còn có hình ảnh Hà Nội của những làng xóm, Hà Nội của ruộng đồng, vẫn trồng lúa, trồng hoa, trồng rau… thân thương như hồn quê Việt đã ngàn đời nay vậy.

Với ý nghĩa ấy, thông qua việc giới thiệu 2 Tác giả và 4 Tác phẩm, hầu hết là Thơ Lục Bát, vừa được xuất bản, đại diện cho phong trào sáng tác của Câu lạc bộ “Trái tim người lính Thủ đô”, chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc một góc nhìn mới, vừa giản dị, khiêm nhường, lại vừa hào hoa mà thanh lịch của Người Hà Nội.

Đó là Đại tá, Nhà thơ Trần Trọng Giá – Chủ tịch CLB “Trái tim người lính Thủ đô”; Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Ông sinh năm 1952 tại Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; hiện trú tại khu Biệt thự 1 bán đảo hồ Linh Đàm, TP. Hà Nội. Cựu chiến binh Trần Trọng Giá từng có mặt trong đoàn quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975. Ông có nhiều năm công tác, gắn bó và trưởng thành từ Quân khu Thủ đô. Một đời mang áo lính, khi đã hoàn thành nhiệm vụ với Quân đội, ông trở về với đời thường và lấy Thơ Lục Bát làm niềm vui, từ yêu thích trở thành đam mê. Trong 4 năm qua, Nhà thơ Trần Trọng Giá đã lần lượt cho ấn hành 4 tập thơ (hầu hết là Lục Bát): “Lặng thầm”, “Gửi lại dòng sông”, “Bóng quê” và “Tiếng chiều”. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, Nhà thơ Trần Trọng Giá đã phối hợp với Ban Nhà văn Nữ của Hội Nhà văn Hà Nội vận động trao tặng được 2 “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”, mỗi tủ sách trị giá 100 triệu đồng cho các em học sinh nghèo tại quê nhà.

Đó còn là Á hậu doanh nhân Lê Thy Bình – Thành viên nhóm Thường trực của CLB “Trái tim người lính Thủ đô”; người đầu tiên đã dành toàn bộ 1000 cuốn tự truyện “Á hậu Lọ lem” giá trị 200 triệu đồng, để ủng hộ Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”. Chị cũng đã vận động nhiều thân nhân gia đình Liệt sĩ tại quê nhà ủng hộ kỷ vật “Tình yêu đi qua chiến tranh” cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Lê Thy Bình sinh năm 1973 tại Phúc Thọ, TP. Hà Nội. Lớn lên từ một vùng quê nghèo khó, đúng nghĩa là “Hà Nội xóm” và “Hà Nội làng”. Tuổi thơ của “Cô bé lọ lem” không có cha, là chăn trâu cắt cỏ và ăn đói mặc rách. Lớn lên, chị từng nhiều năm một mình đạp xe mấy chục cây số, ra phố đi rửa bát thuê, bán hàng rong và làm đủ nghề để kiếm sống. Nhưng dù công việc cực nhọc, lầm lũi, xô bồ ở chợ Đồng Xuân thuở hàn vi, vẫn không làm vơi cạn được tâm hồn văn chương có sẵn trong Lê Thy Bình. Sau tự truyện “Á hậu Lọ lem” trình làng năm 2023, chị cùng lúc xuất bản 2 tập thơ Lục Bát do Nhà thơ Nguyễn Thị Mai tổ chức bản thảo, Nhà thơ Quốc Toản và Nhà thơ Lê Đức Nghinh giới thiệu: “Em vẫn là em” và “Chỉ là trong mơ”, làm quà tặng cho người yêu thơ Lục Bát.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về sự kiện văn hóa độc đáo nếu trên, chúng tôi xin giới thiệu xuất xứ, mục đích và ý nghĩa của nó: từ “Lễ hội Lục Bát” đến “Ngày Thơ Lục Bát” có từ bao giờ và diễn ra như thế nào?

1- Khởi đầu từ Cộng đồng Mạng mang tên “Lục Bát Việt Nam”…

Vào những ngày này, cách đây tròn 16 năm, từ sự khởi xướng của Nhà thơ Đặng Vương Hưng, một nhóm Những người yêu Thơ Lục Bát đã thành lập website Lục Bát Việt Nam (http://www.lucbat.com), do nhà thơ Trương Nam Chi (TP. Hồ Chí Minh) làm Chủ nhiệm, để tạo một diễn đàn trên internet, tôn vinh thể thơ thuần Việt nhất, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Trong 16 năm qua, website đã quy tụ hàng ngàn cây bút sáng tác Lục Bát từ khắp mọi miền đất nước và cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đăng tải hàng vạn bài thơ, bài nghiên cứu về Lục Bát xưa và nay. Nhiều cây bút từng là Quản trị viên của Website Lục Bát đã trưởng thành, được các giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tác thơ và trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Nhà thơ Đinh Thường (hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng); nhà thơ Vũ Thiên Kiều (Kiên Giang); nhà thơ Đặng Cương Lăng, nhà thơ Chử Thu Hằng và Nhà thơ Nguyễn Ngọc Mai (Hà Nội)…

Cùng với sự hình thành và phát triển của website Lục Bát Việt Nam, là các CLB Thơ Lục Bát ở nhiều tỉnh thành trên cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được thành lập tại: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ, Cộng hòa Ucraine… Nhiều câu lạc bộ có số lượng hàng trăm thành viên, với những hoạt động rất thiết thực và hiệu quả.

Khi mạng xã hội facebook phát triển mạnh, cũng chính nhà thơ Đặng Vương Hưng đã khởi xướng và phối hợp với Nhà thơ Nguyễn Quỳnh thành lập Nhóm Lục Bát Việt Nam, do Nhà thơ Nguyễn Quỳnh (Uỷ viên Ban chấp hành Chi hội Thơ – Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội) làm Chủ nhiệm Diễn đàn và Thường trực Quản trị viên; để những người yêu Thơ Lục Bát dễ dàng đăng tải các sáng tác mới và tương tác cùng nhau. Hiện nay, Nhóm Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội facebook đã thu hút được hơn 40 ngàn thành viên tự nguyện và nhiệt tình tham gia. Cả website Lục Bát Việt Nam và Nhóm facebook Lục Bát Việt Nam đã và đang nỗ lực cùng nhau xây dựng một Cộng đồng Mạng Lục Bát Việt Nam, sử dụng chung một logo nhận diện (do PGS.TS Trần Mạnh Tuân thiết kế) có chung một tôn chỉ mục đích rõ ràng là: Cùng chung tay, góp sức để quảng bá, bảo tồn và phát huy Thơ Lục Bát – một thể thơ thuần Việt nhất; phấn đấu để Thơ Lục Bát sớm được công nhận là Quốc Thi; tiến tới được Thế giới công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại!

2- Bộ sách “Lộc Phát” với 12 tập Thơ Lục Bát của Lục Bát Việt Nam.

Để chuẩn bị cho Ngày Thơ Lục Bát Việt Nam thường niên những năm đầu tiên, Ban Điều hành Cộng đồng Mạng Lục Bát Việt Nam đã phối hợp với một số CLB Thơ, tổ chức tuyển chọn và biên soạn một ấn phẩm duy nhất mang tên “Lộc Phát” (ruột in giấy xốp nhẹ đặc biệt, đóng bìa cứng) phục vụ cho các nghi lễ trong Ngày Hội Lục Bát. Đó là tập thơ Lục Bát, với sự góp mặt của hàng trăm tác giả, do nhà thơ Trương Nam Chi làm Chủ biên; các Nhà xuất bản: Công an Nhân dân; Hội Nhà văn; Dân Trí; Thông tin và Truyền thông… lần lượt cấp phép ấn hành. Trong 12 năm liên tiếp, “Lộc Phát” đã “điểm mặt và gọi tên” đủ 12 con giáp: Kỷ Sửu – 2009, Canh Dần – 2010, Tân Mão – 2011, Nhâm Thìn – 2012, Quý Tỵ – 2013, Giáp Ngọ – 2014, Ất Mùi – 2015, Bính Thân – 2016, Đinh Dậu – 2017, Mậu Tuất – 2018, Kỷ Hợi – 2019 và Canh Tý – 2020. Điều thú vị là theo lịch âm thì năm Canh Tý cũng là khởi đầu của một Thiên Can và Địa Chi mới. Nói cách khác, sự khép lại cũng chính là sự mở đầu của một giai đoạn mới…

Với việc biên soạn và phát hành bộ sách Lộc Phát nêu trên, ngay từ năm 2018 nhà thơ Trương Nam Chi đã được xác lập Kỷ lục Quốc gia: “Chủ biên Bộ sách thơ Lục Bát tự chọn “Lộc Phát”, được phát hành trong nhiều năm liên tục nhất (2008 – 2018)”.

3- Có một Ngày hội độc đáo mang tên “Lục Bát Việt Nam” diễn ra vào dịp 6/8 âm lịch hằng năm.

Cùng với việc xuất bản 12 tập “Lộc Phát” là 12 mùa Lễ hội Lục Bát đã được tổ chức trang trọng, với kinh phí xã hội hóa nhiều tỷ đồng, với các nghi thức độc đáo, mang tính Văn hoá tâm linh:

1. Lễ Rước Thơ Lộc Phát;

2. Đọc Chúc văn Thơ Lục Bát;

3. Lễ Phát Lộc Thơ Lục Bát;

4. Sắp đặt các Lục Bát quán (giới thiệu Thơ Lục Bát và đặc sản các vùng miền).

Với sự tham gia của các cao tăng nhà Phật và sự chứng kiến của nhiều văn nghệ sĩ, trí thức và báo giới thủ đô Hà Nội, hoặc địa phương nơi đăng cai tổ chức Ngày hội Lục Bát Việt Nam… Nhờ vậy, giờ đây, chỉ cần chúng ta tra tìm kiến trên mạng Cốc Cốc, hoặc Google các từ khoá “Lục Bát Việt Nam” sẽ ra hàng triệu kết quả thông tin và ảnh minh hoạ…

Kể từ năm Kỷ Sửu – 2009, Website Lục Bát Việt Nam đã phối hợp với nhiều cơ quan báo chí có uy tín tổ chức Ngày Hội Lục Bát Việt Nam, kết hợp với việc sắp đặt các “Lục Bát quán” giới thiệu đặc sản văn hóa các vùng miền… Ngày Thơ Lục Bát đã dần trở thành một sự kiện Văn hóa của năm, góp phần tích cực vào việc tôn vinh Văn hoá truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc; ngày càng được dư luận Người yêu thơ cả nước quan tâm… Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Website Lục Bát Việt Nam đã phối hợp với Báo Người Cao tuổi tổ chức cuộc thi thơ Lục Bát mang chủ đề “Ngàn năm hồn Việt”, gây tiếng vàng lớn trong dự luận xã hội.

Đặc biệt, từ năm 2012 đến năm 2018, xuất phát từ ý tưởng, đề xuất của Nhà thơ Đặng Vương Hưng và Tiến sĩ, Luật sư Đồng Xuân Thụ, một cuộc thi Thơ Lục bát độc đáo, kéo dàu 6 năm với tên gọi “Tổ quốc và Đạo pháp” do Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo; Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ cố vấn chuyên môn và Giám khảo, website Lục bát Việt Nam cùng Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam là cơ quan thường trực. Cuộc thi với quy mô cả nước, toàn bộ giải thưởng trao tặng bằng vàng và bạc thật từ nguồn kinh phí xã hội hóa nhận được đánh giá cao từ dư luận. Năm Mậu Tuất – 2018 là năm cuối cùng, kết thúc cuộc thi kéo dài 6 năm, Ban tổ chức đã chọn ra các giải vàng, giải bạc và giải cao nhất là giải kim cương. Là 2 thành viên Thường trực nêu ý tưởng và tổ chức cuộc thi, Nhà thơ Đặng Vương Hưng và Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng Bằng “Tuyên dương Công đức”.

Với thành tích 10 năm liền tổ chức thành công Ngày hội Lục Bát bằng kinh phí xã hội hóa hàng tỷ đồng, trong Ngày thơ Lục Bát Mậu Tuất – 2018 nhà thơ Đặng Vương Hưng đã được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Người khởi xướng và tổ chức Lễ hội Lục bát Việt Nam nhiều năm liên tục nhất (2008 – 2018)”.

4- Phấn đấu để Thơ Lục Bát trở thành Quốc Thi, được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể.

Trong khuôn khổ Ngày hội Lục Bát Việt Nam năm Kỷ Hợi – 2019, lần đầu tiên Website Lục Bát Việt Nam đã phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam và một số cơ quan đơn vị, tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Thơ Lục Bát với Di sản văn hóa dân tộc”; thu hút hàng trăm bài tham luận, nghiên cứu chuyên sâu về Thơ Lục Bát xưa và nay, của các tác giả đến từ mọi miền đất nước và người Việt ở nước ngoài.

Trân trọng cảm ơn Anh hùng Lao động, Giáo sư Hoàng Chương (Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc); Nhà báo, Nhà thơ Kim Quốc Hoa (nguyên Tổng biên tập Báo Người cao tuổi); Tiến sĩ, Luật sư Đồng Xuân Thụ (Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam); Kỷ lục gia, Nhà thơ Trương Nam Chi (Trưởng Ban biên tập website Lục Bát Việt Nam); Nhà thơ Nguyễn Quỳnh (Chủ nhiệm diễn đàn Lục Bát Việt Nam trên MXH facebook) cùng các Biên tập viên, Quản trị viên của mạng “Lục Bát Việt Nam” đã cống hiến thầm lặng; cảm ơn Chủ nhiệm các CLB Lục Bát, các các giả và bạn đọc gần xa, đã chung tay, góp sức, đồng hành với Cộng đồng Mạng Lục Bát Việt Nam, tổ chức thành công Ngày Thơ Lục Bát Việt Nam trong nhiều năm qua.

Ngày Thơ Lục Bát năm Giáp Thìn – 2024, với chủ đề “Hà Nội lính” và Hà Nội làng” sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, từ 8:30 sáng Chủ Nhật, ngày 8/9/2024 (tức ngày 6 tháng 8 năm Giáp Thìn).

Trong khuôn khổ của sự kiện này, ngoài nghi thức đọc Chúc văn Lục Bát và trình diễn thể thơ truyền thống; Ban Tổ chức Ngày hội còn vinh danh một số tập thể, cá nhân đến từ Hải Phòng, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ và Bắc Ninh…

Hà Nội, tháng 8/2024
Đặng Vương Hưng – Lục Bát Việt Nam

Bài viết liên quan

Kết nối

0FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất