Thứ hai, Tháng mười 14, 2024
spot_img

Ba chị em gái nhà GS Đặng Thai Mai và ba chàng rể tướng lừng danh

Gia đình GS Đặng Thai Mai không chỉ nổi tiếng là một gia đình trí thức đáng kính trọng với sáu người con (năm gái một trai), tất cả đều là các trí thức được vị nể, yêu kính cả về tài năng và nhân cách, mà điều rất đặc biệt là ba ái nữ của GS Đặng Thai Mai là Đặng Bích Hà, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào đều kết hôn với ba vị tướng của quân đội nhân dân Việt Nam là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung tướng Phạm Hồng Cư, trung tướng Phạm Hồng Sơn.

Đọc cuốn hồi ức Cô bé nhìn mưa của bà Đặng Thị Hạnh vừa qua đời hôm 24-5, bạn đọc sẽ hiểu hơn về một gia đình “danh gia vọng tộc” này theo một cách mềm mại, trong trẻo, thuần khiết như chính tâm hồn những người con gái trong gia đình trí thức này.

Ba người con “rể tướng”

Giáo sư Đặng Thai Mai (1902 – 1984) là một nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học. Ông từng giữ các chức vụ quan trọng như bộ trưởng Bộ Giáo dục, viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam… 

Với vốn Nho học uyên thâm và am hiểu văn học cổ điển Pháp, văn học hiện đại Trung Quốc, văn học cận đại Việt Nam, cho nên không ngạc nhiên khi sau này bốn người con gái của ông mỗi người lại kế tục xuất sắc một mặt nào đó của cha mình.

Trong đó, người con gái cả Đặng Bích Hà là phó giáo sư sử học; Đặng Thị Hạnh và Đặng Anh Đào là phó giáo sư về văn học phương Tây, đặc biệt là văn học cổ điển Pháp; Đặng Thanh Lê là giáo sư văn học trung đại Việt Nam.

Không biết có phải vì trí tuệ, đức hạnh của các ái nữ trong một gia đình trí thức nổi tiếng mà GS Đặng Thai Mai có tới ba người con rể là tướng. Người con gái cả của cụ Đặng Thai Mai là Đặng Bích Hà kết hôn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1946, và sau đó hai vị tướng cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với tướng Giáp đã “rủ nhau” về làm rể gia đình này.

Thực ra đó là câu nói đùa, những chàng rể tướng lĩnh ấy đã không hề “rủ nhau”. Mối nhân duyên vợ chồng của các cặp đôi này đến một cách tự nhiên như nó phải thế, như thể trời sinh một cặp. Trong đó, nổi tiếng nhất hẳn là mối nhân duyên vợ chồng của bà Đặng Bích Hà với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bà Hà là người vợ thứ hai của Đại tướng, sau khi người vợ đầu là chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái qua đời. Nhưng bà Hà gắn bó keo sơn, tri kỷ với tướng Giáp bởi thời gian bên nhau đi suốt cuộc đời. Sinh thời, bà Đặng Thị Hạnh từng nói chị gái mình chính là “nơi nương tựa cho anh Văn trong mọi điều kiện”.

Vốn là bạn vong niên với GS Đặng Thai Mai nên “anh Văn” trước khi kết hôn với “chị Hà” đã biết và gắn bó với cô bé thông minh từ thuở nhi đồng, lớn lên lại hướng dẫn cô học và đọc sách.

Tình yêu đến tự nhiên và một đám cưới giản dị đã được tổ chức chỉ ba tuần trước Ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946. Những người biết bà, các học trò của bà đều khâm phục phẩm cách của người phụ nữ này: là phu nhân của đại tướng, cả đời bà vẫn là người phụ nữ lặng thầm làm hậu phương vững chắc cho người chồng kiệt xuất, từ những năm tháng chiến tranh gian khổ cho đến thời bình.

Người ta cũng còn nhớ những hình ảnh cảm động cuối đời của cặp đôi đặc biệt này: Đại tướng ngồi tập đàn piano ở tuổi ngoài 90 với người vợ đứng bên cạnh. Bà, có thể nói, đã cả đời đứng bên cạnh hoặc phía sau người chồng lừng lẫy của mình.

Khoảnh khắc bình dị đời thường của vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Đặng Bích Hà – Ảnh: TRẦN HỒNG

Tình yêu thắm thiết dịu dàng

Cặp vợ chồng bà Đặng Thị Hạnh – trung tướng Phạm Hồng Cư cũng có sự gắn bó đặc biệt. Và câu chuyện vợ chồng của người con gái có tâm hồn mơ mộng nhất của GS Đặng Thai Mai cảm động theo một cách riêng.

Ông Phạm Hồng Cư tên thật là Lê Đỗ Nguyên, sinh năm 1926, quê ở Đông Cương, Đông Sơn, Thanh Hóa. Ông chính là một trong ba người anh “Nàng có ba người anh đi bộ đội” (Lê Đỗ Khôi, Lê Đỗ Nguyên và Lê Đỗ An) của nhân vật nữ (Lê Đỗ Thị Ninh) trong bài thơ Màu tím hoa sim nổi tiếng của nhà thơ Hữu Loan.

Năm 1954, sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Phạm Hồng Cư đã kết hôn với Đặng Thị Hạnh. Cùng năm đó, cô em gái bà là Đặng Anh Đào cũng kết hôn với tướng Phạm Hồng Sơn.

Trung tướng Hồng Sơn vốn là một chàng sinh viên trường luật “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Ông tên thật là Phạm Thành Chính, sinh năm 1923, tại Nghệ An. Đám cưới của họ được tổ chức tại Thanh Hóa, nơi gia đình GS Đặng Thai Mai sơ tán, lúc đó Hiệp định Genève còn đang đàm phán, theo thông tin trong cuốn hồi ức Nhớ và quên do hai vợ chồng trung tướng Phạm Hồng Sơn và Đặng Anh Đào viết chung.

Tình yêu thắm thiết của họ cho tới cuối đời càng gắn bó, để rồi họ cùng nhau viết cuốn sách “hồi ký” về cuộc đời chiến đấu và yêu thương của người chồng. Sau phần đầu cuốn sách Nửa đời chiến trận là hồi ức của Phạm Hồng Sơn cho thấy một trung tướng từng kinh qua các chức vụ lãnh đạo cao cấp trong quân đội có phần khô khan, người vợ, bằng tài văn chương của mình, tiếp tục đắp bồi chân dung chồng mình ở phần sau với tên Vầng trăng khuyết.

Bài viết liên quan

Kết nối

0FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất

Tình yêu thắm thiết của họ cho tới cuối đời càng gắn bó, để rồi họ cùng nhau viết cuốn sách "hồi ký" về cuộc đời chiến đấu và yêu thương của người chồng. Sau phần đầu cuốn sách Nửa đời chiến trận là hồi ức của Phạm Hồng Sơn cho thấy một trung tướng từng kinh qua các chức vụ lãnh đạo cao cấp trong quân đội có phần khô khan, người vợ, bằng tài văn chương của mình, tiếp tục đắp bồi chân dung chồng mình ở phần sau với tên Vầng trăng khuyết.Ba chị em gái nhà GS Đặng Thai Mai và ba chàng rể tướng lừng danh