Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
spot_img

Chuyện bây giờ mới kể về nhà giáo Đặng Xuân Đỉnh

Ông Đặng Xuân Đỉnh (1919 – 2016) là đời thứ 11 của thủy tổ họ Đặng tại làng Hành Thiện (Nam Định). Anh trai ngay sát nhà giáo Đặng Xuân Đỉnh là ông Trường Chinh, tức Đặng Xuân Khu. Gia đình các cụ thân sinh ra ông Đỉnh có 10 người con của 2 thân mẫu.

Ông Đỉnh cũng như ông Trường Chinh là con bà cả là cụ Nguyễn Thị Từ (con gái của cụ cử nhân làm quan Huấn đạo tên là Nguyễn Đức Ban), người cùng làng Hành Thiện. Cụ Đặng Xuân Viện lấy cụ Nguyễn Thị Từ sinh hạ được 2 trai, 3 gái và ông Đỉnh là con thứ ba.

Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học và dạy học, nhưng ông Đặng Xuân Đỉnh chỉ được học hết tiểu học vì điều kiện gia đình khó khăn. Năm 17 tuổi, ông Đỉnh thi và đỗ vào Trường Kỹ nghệ Hải Phòng vì trường này có học bổng, không phải lo tiền ăn học.

Điều này gián tiếp cho thấy nếp sống thanh bạch và cuộc sống có những lúc khó khăn của gia đình cố Tổng Bí thư Trường Chinh, dù trong cải cách ruộng đất, các cụ thân sinh các ông từng bị tố địa chủ.

Năm 1937, khi đang theo học tại Trường Kỹ nghệ Hải Phòng, ông được giác ngộ cách mạng. Ông chính là sợi dây liên lạc giữa tổ chức Đảng với người anh trai là ông Trường Chinh những năm 1940 – 1945.

Sau cách mạng tháng Tám, ông Đặng Xuân Đỉnh công tác ở Công binh xưởng Nam Định, rồi lên Hà Nội làm giám đốc xưởng in thuộc Nhà xuất bản Sự thật.

Toàn quốc kháng chiến, ông nhận công tác tại Cục Quân giới (Bộ Quốc phòng). Ông làm về phần kỹ thuật cơ khí và công việc này đã kéo dài suốt 7 năm trong rừng núi Việt Bắc. Do có những đóng góp sáng kiến, ông được giao thêm nhiệm vụ phục vụ các chiến dịch mà không có chức vụ gì, cho dù lúc này anh trai ông đang là Tổng Bí thư của Đảng.

Năm 1953, ông được cử sang Liên Xô học Đại học Mỏ Moskova về ngành khai thác hầm lò. Ban đầu gặp nhiều khó khăn do kiến thức trung học của ông bị hổng cũng như tiếng Nga hạn chế, song thật bất ngờ là chỉ đến năm thứ 2, ông đã có kết quả tốt, thậm chí hoàn thành khóa đại học trước 1 tháng so với đồng môn, đồng khóa.

Năm 1959, ông về nước, dạy tại Khoa Mỏ – Luyện kim (Đại học Bách khoa Hà Nội), sau đổi thành Khoa Mỏ – Địa chất.

Ông được cử quay lại Liên Xô học tiếp 2 năm (1964 – 1965) theo chế độ thực tập sinh. Trong số 10 người đi học, chỉ có ông là người hoàn thành đề tài nghiên cứu cũng trước 1 tháng như hồi tốt nghiệp đại học trước đây.

Ông đã bảo vệ ở Bộ môn Khai thác hầm lò (Trường đại học Mỏ Moskova). Đề tài được đánh giá đủ trình độ của một luận án phó tiến sĩ khoa học Liên Xô (nay gọi là tiến sĩ).

Không muốn phải “xin ai, nhắc ai”

Nhưng do quy định khi đó của nước ta, đi thực tập khoa học như ông thì không được bảo vệ luận án. Ông cũng không xin ở lại để bảo vệ, dù với tư cách em trai Tổng Bí thư, ông hoàn toàn có thể làm được điều đó.

Cũng do việc này mà sau này, khi Nhà nước có quy chuẩn lên bục giảng đại học, nhà giáo Đặng Xuân Đỉnh cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu học vị, học hàm.

Chuyện bây giờ mới kể về nhà giáo Đặng Xuân Đỉnh- Ảnh 2.
Nhà giáo nhân dân Đặng Xuân Đỉnh

Năm 1966, ông Đặng Xuân Đỉnh khi đó đang làm Chủ nhiệm Khoa Mỏ – Địa chất nhận nhiệm vụ thành lập Trường đại học Mỏ – Địa chất được tách từ Khoa Mỏ – Địa chất. Ông Đặng Xuân Đỉnh được phân công làm phó hiệu trưởng kiêm hiệu trưởng đại học, rồi tiếp đó lại làm quyền hiệu trưởng đại học thêm 6 năm nữa.

Cho đến khi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Nguyễn Đình Tứ lên nhậm chức, phát hiện ra chuyện trớ trêu này, đã ra thông báo công nhận ông Đặng Xuân Đỉnh chính thức là hiệu trưởng từ ngày thành lập Trường đại học Mỏ – Địa chất. Tức là đến lúc đó, ông Đỉnh được công nhận đã có 12 năm là hiệu trưởng.

PGS.TS Trần Xuân Trường – Chủ tịch Hội đồng trường cùng đoàn công tác đến thăm và tặng quà gia đình cố Nhà giáo nhân dân Đặng Xuân Đỉnh

Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công khi đó (lúc này, ông Trường Chinh đã thôi giữ trọng trách người đứng đầu nhà nước) cũng phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho ông với tư cách hiệu trưởng.

Bộ khi đó cũng thống nhất cùng hội đồng khoa học của trường sẽ trình phong hàm giáo sư cho Nhà giáo ưu tú Đặng Xuân Đỉnh trong đợt xét duyệt gần nhất. Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ còn đề nghị mở hội đồng đặc cách để công nhận công trình trước đây ông Đặng Xuân Đỉnh hoàn thành ở Liên Xô là “Nghiên cứu biến dạng bùng nền lò với điều kiện vỉa than nằm ngang bằng lớp trụ là đất sét” như một luận án phó tiến sĩ.

Tiếc rằng khi chưa kịp triển khai thì GS – TSKH Nguyễn Đình Tứ chuyển sang công tác với cương vị mới là Ủy viên Hội đồng Nhà nước nên bị bỏ dở. Bộ không triển khai mà ông Đỉnh thì một lần nữa không muốn phải “xin ai, nhắc ai”…

Tháng 11.1977, do sức khỏe hạn chế, ông Đặng Xuân Đỉnh xin nghỉ hưu sớm (hơn 1 năm). Ông là tác giả của gần 20 công trình khoa học, trực tiếp viết một số giáo trình giảng dạy trong trường đại học, tham gia biên soạn Từ điển tiếng Việt, Từ điển chuyên ngành Mỏ – Địa chất… và các công trình nghiên cứu quý báu thuở ban đầu, phục vụ cho sự nghiệp phát triển ngành mỏ – địa chất nước nhà.

Lão thành cách mạng, Nhà giáo nhân dân Đặng Xuân Đỉnh có 3 người con. Người con trai duy nhất là anh Đặng Xuân Chiêu. Anh đã tình nguyện nhập ngũ khi mới 17 tuổi và đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Lào khi ở cương vị một sĩ quan đặc công.

Trước đó, Bộ Tư lệnh binh chủng đã có ý định đưa anh đi đào tạo do biết lý lịch của anh có bác ruột là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh. Thế nhưng anh từ chối, cương quyết xin bằng được ra chiến trường và đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào.

Cố Tổng Bí thư Trường Chinh và ông Đặng Xuân Đỉnh còn có một người em trai cùng cha khác mẹ tên là Đặng Xuân Dương. Ông Dương nguyên là giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội kiêm Phó bí thư Đoàn trường rồi lên đường nhập ngũ năm 1965 theo phong trào “3 sẵn sàng” khi chưa có vợ con. Ông đã hy sinh năm 1972 khi đang là đại uý, chính trị viên tiểu đoàn tại mặt trận Quảng Trị.

Chuyện cũ nay kể lại để thấy trong gia tộc cố Tổng Bí thư Trường Chinh, dù anh trai có quyền cao chức trọng đến như vậy (có giai đoạn là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) thì các em của ông (ông Đặng Xuân Đỉnh, ông Đặng Xuân Dương…) hay con trai ông (TS Đặng Việt Bắc đang đi học ở nước ngoài cũng bị ông gọi về đi nghĩa vụ quân sự vào năm 1971), cháu ruột (Đặng Xuân Chiêu, nhà chỉ có 1 con trai nhưng vẫn xin vào chiến trường bằng được) cũng vẫn sống và làm việc với nghĩa vụ và trách nhiệm như mọi công dân bình thường, không hề có đặc quyền, đặc lợi “con ông cháu cha” nào.

Ông Trường Chinh không hề có tác động dù nhỏ nhất với tư cách của một nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước để những người ruột thịt của mình có thể được hưởng đặc quyền trong việc đề bạt, bổ nhiệm.

Ngay trường hợp con trai cố Tổng Bí thư Trường Chinh từng trúng ủy viên dự khuyết T.Ư khoá VI (1986) là GS Đặng Xuân Kỳ, được chứng minh là hoàn toàn xứng đáng cả về trí tuệ và đạo đức, thì T.Ư và Bộ Chính trị cũng phải thuyết phục rất lâu để ông đồng ý cho ứng cử.

Cố GS Đặng Xuân Kỳ, nguyên là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội.

( Theo Thanh Niên)

Bài viết liên quan

Kết nối

0FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất