Truyền thống nguồn cội
Chủ doanh nghiệp nước mắm Mười Thu ở xứ An Nhơn (Bình Định) người họ Đặng, ông là Đặng Văn Thử. Nước mắm Mười Thu nổi tiếng toàn quốc về chất lượng và ông chủ còn nổi tiếng về tấm lòng nhân ái; nổi tiếng ở sự sẻ chia với người nghèo khó không chỉ trong địa phương nơi ông cư trú, mà cả ở các địa phương khác.
Là doanh nhân, nhưng ông Đặng Văn Thử thuộc như nằm lòng câu nói “kinh doanh là để sẻ chia những gì tốt đẹp nhất”. Hỏi ông về ý nghĩa câu nói này, ông bảo rằng: Bước chân vào con đường kinh doanh, ai chẳng muốn làm giàu, nhưng làm giàu mà bất chấp tất thảy là vứt. Kinh doanh chỉ lo làm giàu cho mình mà không chia sẻ với cộng đồng cũng vứt…
Ông bảo “định hướng” này được truyền từ đời này sang đời khác của dòng họ nhà ông. Tôi lại hỏi: Đền thờ họ Đặng miền Trung, do vợ chồng ông phát tâm công đức xây dựng, với kinh phí xấp xỉ 2 triệu USD, thờ Tiên hiền Đặng Nghiêm là có ý nghĩa gì? Ông cười mà rằng: Tiến sĩ Đặng Nghiêm chính là người khai khoa cho họ Đặng, cũng là người khai khoa cho xứ Sơn Nam gồm các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và một phần Hà Nội ngày nay. Không chỉ tôi mà tất cả các chi họ Đặng ở miền Trung tâm nguyện thờ ngài là nhằm gìn giữ truyền thống hiếu học cho muôn đời con cháu.
Cũng như gia đình ông Đặng Văn Thử, doanh nhân Đặng Phước Thành, chủ doanh nghiệp Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), cũng đã phát tâm công đức hơn 300 tỉ đồng để xây dựng Đền thờ Nam phương linh từ; Đền thờ Đặng tộc Nam phương Linh từ; Nhà bảo tàng họ Đặng và Bảo tàng Nam Bộ tại xã Hưng Long A, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Nơi đây thờ 21 vị tiền hiền khai mở đất phương Nam và các bậc tiền hiền, hậu hiền của dòng họ Đặng như: Công bộ Thị lang Đặng Nghiêm, Quốc công Đặng Tất, Tể tướng Đặng Dung, Thám hoa Đặng Ma La…
Doanh nhân Đặng Phước Thành nói đại ý rằng: Gia đình ông phát tâm công đức xây dựng các công trình này là thể hiện lòng tri ân, tôn vinh sự xả thân của các thế hệ người đi trước đã có công khai mở đất phương Nam cho muôn đời con cháu. Nhờ hồng phúc của tổ tiên phù hộ, độ trì gia đình ông “ăn nên làm ra”. Từ tấm lòng kính trọng với tổ tiên, được dòng tộc và mọi người đồng thuận, ông quyết định đầu tư xây dựng các công trình này, ngoài ý nghĩa nói trên, nơi đây còn là địa chỉ cho các thế hệ người Việt Nam và cháu con dòng họ Đặng đến tri ân các bậc tiền nhân; tìm hiểu đầy đủ về lịch sử dòng họ; và cũng là nơi nghiên cứu, tìm hiểu những nhân vật lịch sử đã khai mở và làm rạng danh vùng đất phương Nam, cùng với phong tục, tập quán, lối sống và các công cụ sản xuất của nền văn minh lúa nước… Đây còn là nơi lý tưởng thế hệ trẻ tìm hiểu, nghiên cứu, học tập những nội dung liên quan đến di sản của con người cũng như môi trường tự nhiên và xã hội của cư dân Nam Bộ.
Tôi thầm nghĩ, có lẽ truyền thống cội nguồn là dòng nước mát, không chỉ “tưới” cho tâm hồn của chủ các doanh nghiệp như Mười Thu, như Đặng Phước Thành có tấm lòng nhân ái, mà còn thôi thúc các chi họ Đặng ở mọi miền đất nước cùng tìm về với nhau với tinh thần “Đặng tính giả cử quốc giai nhiên”, để cùng sẻ chia, cùng tựa vịn vào nhau lúc khó khăn, vượt qua gian khó để vươn lên.
Nói tất cả những người họ Đặng đều là anh em, là nói đến những việc làm nghĩa tình của tất cả các chi họ Đặng trong cả nước hướng về nhau khi có hoạn nạn, thiên tai. Chỉ một cuộc điện thoại, chỉ một vài dòng thông báo ngắn gọn trên facebook là sức mạnh dòng họ được huy động; là hàng ngàn hộ dân trong những vùng thiên tai được “sưởi ấm” bằng sự sẻ chia từ chính những người anh em của mình.
Nói ông Đặng Văn Thử, Đặng Phước Thành có tấm lòng nhân ái, là nói về những việc các ông đã làm cho dòng họ. Sau lễ khánh thành Đền thờ họ Đặng miền Trung, toàn bộ số tiền công đức của các chi họ về dự được hơn 500 triệu đồng, vợ chồng ông Đặng Văn Thử đã quyết định dành cho quỹ khuyến học của dòng họ Đặng tỉnh Bình Định. Các chuyến hàng cứu trợ mà vợ chồng, cha con ông Đặng Văn Thử không hề ngần ngại khi bỏ ra hàng trăm triệu đi cứu trợ đồng bào. Cũng là nói đến doanh nhân Đặng Phước Thành gửi tiền cứu trợ, gửi tiền công đức góp phần trùng tu các di tích văn hóa…
Truyền thống của tổ tiên đã chảy vào huyết quản của bao thế hệ người họ Đặng. Và người họ Đặng ngày nay, với tất cả tấm lòng của mình đã đoàn kết, chung tay cùng xã hội trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo; trong các đợt cứu trợ đồng bào vùng thiên tai…. Nếu có cuộc bình chọn “những dòng họ làm từ thiện tốt nhất”, tôi đồ rằng, dòng họ Đặng cũng sẽ là những người “khai khoa” cho việc làm giàu tính nhân văn và giàu ý nghĩa này.
Triệu tấm lòng như một tấm lòng
Đấy chính là hình ảnh mà những người họ Đặng để lại dấu ấn sâu sắc với bà con vùng lũ các tỉnh miền Trung vào cuối năm 2016 vừa qua.
Tôi đã được chứng kiến nghĩa cử cao đẹp của những người đại diện cho dòng họ đi cứu trợ đồng bào. Còn nhớ, vào những ngày cuối tháng 10-2016, khi mà các tỉnh Bắc miền Trung chìm trong biển nước. Cùng với các tổ chức xã hội trong cả nước hướng về nơi gian khó. Bằng những cuộc điện thoại ngắn gọn của các ông Đặng Văn Thử ở Bình Định và Đặng Văn Hường ở Đà Nẵng, các chi họ Đặng ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, từ miền Nam ra miền Bắc; từ đồng bằng đến các tỉnh Tây Nguyên, đâu đâu cũng dấy lên phong trào quyên góp.
Người tấm áo, tấm chăn; người đồng tiền, bát gạo… ngay những ngày đầu đã quyên góp được 163,3 triệu đồng để ủng hộ những người anh em trong dòng họ ở 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Doanh nhân Đặng Văn Thử tuổi đã ngoại “sáu mươi”, vài năm gần đây ông giao hẳn việc sản xuất kinh doanh cho các con để lo việc kết nối dòng họ. Ngay trong đợt quyên góp cứu trợ ấy, vợ chồng ông đã ủng hộ 4 tấn gạo, các con ông giờ người là chủ doanh nghiệp nước mắm; người mở nhà hàng, khách sạn; người sản xuất bao bì. Nghe lời “hiệu triệu” của ông, mấy anh em cùng xúm tay, người ủng hộ 200 thùng nước mắm; người lo thuê xe vận tải chở hàng; người lo tiền mặt… Đại gia đình ông dồn lại trị giá tiền mặt và hàng hóa gần trăm triệu đồng.
Cựu chiến binh Đặng Văn Hường, vừa bán được lô cây cảnh, trích hẳn 30 triệu đồng; gia đình ông Đặng Đình Hùng ở Đà Nẵng đóng góp hơn 100 bộ quần áo. Gia đình ông Đặng Tăng ở Hưng Yên, trực tiếp thuê xe vận chuyển 5 tấn gạo, 500 thùng mì ăn liền, 1.000 bộ quần áo, 200 gói bánh do chính gia đình ông ủng hộ vào Hà Tĩnh, Quảng Bình. Doanh nhân Đặng Phước Thành, chủ Doanh nghiệp Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam, gửi ủng hộ 50 triệu. Các chi họ Đặng ở: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Trà Vinh, Hàng Kênh (Hải Phòng), thành phố Hồ Chí Minh… đều tổ chức quyên góp. Cứ như vậy, người có điều kiện khá hơn thì ủng hộ nhiều. Nhiều người còn khó khăn trong cuộc sống cũng trích những đồng tiền từ thu nhập ít ỏi của mình. Tất cả “góp gió thành bão”, góp tấm lòng thơm thảo của mình về với miền Trung.
Có lẽ hiếm có đoàn cứu trợ nào mà các thành viên trong đoàn đều là những người lớn tuổi. Trẻ nhất là ông Đặng Văn Mẫn cũng đã ở tuổi ngoại “bốn mươi”. Các ông Đặng Văn Thử, Đặng Văn Hường, Đặng Quốc Hòe, Đặng Văn Tuồng… đều đã lên lão, ngày ngày xắn quần lội bộ đưa hàng đến từng chi họ, từng hộ dân ở vùng ngập úng ở hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Thật quý thay! Ngay trong những ngày nhận tin miền Trung đang bị lũ lụt đe dọa, những người trẻ thuộc Câu lạc bộ Thanh niên Đặng tộc thành phố Hồ Chí Minh đã nảy ra ý tưởng chế biến thực phẩm khô ủng hộ đồng bào vùng lũ. Thế là họ đã cùng nhau đóng góp kinh phí mua thực phẩm, rồi tự tay chế biến. Và gần 100kg thực phẩm khô được vận chuyển đến vùng lũ, cùng với tiền mặt, hàng hóa từ các chi họ Đặng khắp mọi miền đất nước đã kịp thời giải quyết khó khăn cho bà con đang chống chọi với thiên tai.
Cụ Đặng Cáp 90 tuổi, người xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn (Bình Định) cho đến giờ vẫn chưa hết xúc động nói với tôi rằng: Người Bình Định quê tôi chưa kịp bình tâm sau 4 trận lũ hồi cuối tháng 12-2016, thì đầu tháng 1-2017 trận lũ thứ 5 tiếp tục ập tới. Nước trắng đồng, nhấn chìm làng mạc, lúc hoạn nạn gian nan là lúc hiểu lòng người rõ nhất.
Chẳng quản hiểm nguy, chẳng quản tuổi cao, thân gái, trong cơn lũ dữ ấy, lại các ông: Đặng Văn Thử, Đặng Văn Hường, Đặng Văn Tuồng, Đặng Vĩnh An, chị Đặng Thị Thanh, vợ chồng Đặng Văn Cả, các em, các cháu thuộc Câu lạc bộ Thanh niên Đặng tộc thành phố Hồ Chí Minh… lại về với bà con vùng lũ. Hàng trăm suất quà, hàng trăm triệu đồng tiền mặt mang nặng nghĩa tình dòng họ đến với bà con đúng lúc. Nói như cụ Đặng Cáp: Vật chất, tiền bạc đến với bà con lúc này là quá quý, nhưng cái quý hơn, trân trọng hơn đấy là tình người trong hoạn nạn.
Thương người như thể thương thân
Cô gái trẻ họ Đặng, tên là Đặng Thị Thu Hương, nhà ở tiểu khu 6, thị trấn Quán Hầu, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), khi đi cứu trợ đồng bào vùng lũ ở các xã Quảng Tiên, Quảng Tân và Quảng Trung, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), đang là nhân viên một khách sạn ở thành phố Huế đã không may gặp tai nạn và tử vong, để lại bao niềm thương yêu tiếc nuối nơi bà con vùng lũ.