Thứ hai, Tháng mười 14, 2024
spot_img

Dâng hương Lễ giỗ lần thứ 341 Trạng nguyên Đặng Công Chất.

Đại diện Hội đồng Họ Đặng TP. Hà Nội vừa dâng hương tại Lễ giỗ lần thứ 341 của Trạng nguyên Đặng Công Chất. Cùng với Trạng nguyên Đặng Thì Thố (1526 – ?) cụ Đặng Công Chất là một trong 2 Trạng nguyên họ Đặng, trong tổng số 57 Trạng nguyên cả nước. Đó là danh hiệu của người đỗ cao nhất trong các khoa thi thời phong kiến ở Việt Nam, kể từ khi có danh hiệu Tam khôi dành cho 3 vị trí đầu tiên. Người đỗ Trạng nguyên nói riêng và đỗ Tiến sĩ nói chung phải vượt qua 3 kỳ thi: thi hương, thi hội và thi đình…

Đặng Công Chất (1622 -1683) người xã Phù Đổng, huyện Tiên Sơn, nay là thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Nguyên quán xã Thái Bạt, huyện Bất Bạt, nay là thôn Thái Bạt, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Cụ thuộc dòng dõi của Trần Văn Huy (đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Tuất – 1442); Trần Cận (Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu – 1469); đến đời cụ Trần Công Toản đã quyết định đổi sang họ Đặng, là Đặng Công Toản (Tiến sĩ khoa Canh Thìn – 1520).

Năm 40 tuổi, Đặng Công Chất đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Tân Sửu (1661 – khoa thi này lấy đỗ 13 tiến sĩ) niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1661) đời Lê Thần Tông. Năm 1682, Đặng Công Chất được cử đi sứ sang nhà Thanh. Làm quan đến chức Tham Tụng, Hình bộ Thượng thư, tước tử. Cụ mất tháng 8 năm Chính Hòa thứ 4 (9/1683) thọ 62 tuổi. Được truy tặng chức Thiếu Bảo, Thượng thư bộ Lại, tước Bá.

Theo sách Trần Đặng gia phả ký thì Đặng Công Chất sinh giờ Dần, ngày Tân Mão, tháng Kỷ Dậu, năm Nhâm Tuất (28/8/1622) trong một dòng họ có nhiều người thành đạt giữ trọng trách trong triều đình. Cụ tổ bảy đời là Tiến sĩ Trần Văn Huy, làm quan tới chức Thượng thư bộ Hình, cụ tổ bốn đời là tiến sĩ Đặng Công Toản (sau đổi sang họ Đặng), làm quan tới chức Binh bộ Tả thị lang. Nhiều người đỗ tú tài, cử nhân được giao trọng trách ở trấn xứ, phủ huyện.

Sống trong một gia đình có nền nếp, được cha mẹ tạo dựng ý chí học tập, nuôi dưỡng lý tưởng thành người có ích, chăm lo rèn luyện nhân cách. Năm 21 tuổi, Đặng Công Chất đỗ đầu bảng kỳ thi Hương. Năm 40 tuổi dự thi Đình (điện thí), đỗ Trạng nguyên khoa Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1661) đời Lê Thần Tông. Đây là học vị cao nhất, danh giá nhất của chế độ khoa cử thời phong kiến. Trong quan niệm truyền thống, người có danh trong thiên hạ cần ba tiêu chuẩn: Lập công, lập đức, lập ngôn. Thi đỗ học vị Trạng nguyên là đã thành danh ở tiêu chuẩn lập công, nhưng Đặng Công Chất còn hoàn thành nhiệm vụ ở mức đặc biệt khi triều đình giao nhiệm vụ (1665) “tuần nã giặc cướp” ở vùng Thiết Lâm, Nghệ An (nay thuộc huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). Cụ đã lập công lớn, quy phục “cuộc nổi loạn của kiêu binh phủ Chúa” ngày 9/5/1674.

Phụng mệnh triều đình, Đặng Công Chất được cử làm Chánh sứ sang Trung quốc năm 1682, khi về nước (1683), do tài ngoại giao tạo mối quan hệ rất thân thiện giữa hai nước, được thăng từ chức Kim tử Vinh lộc Đại phu lên chức Hình bộ Thượng thư, chỉ ba ngày sau được thăng lên chức Binh bộ Thượng thư, Tham tụng, khi mất được tặng chức Lại bộ Thượng thư, hàm Thiếu Bảo.

Với quê hương, Đặng Công Chất là người đứng ra hưng công một trong hai ngôi nhà tiền tế ở đền thờ Phù Đổng, lập nhà dạy học Xuân Phố. Học trường thầy Chất, có nhiều người đỗ đạt, nổi bật là Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ, ông Nghè Cháy, sau này là cháu nội, Tiến sĩ Đặng Công Diễn.

Từ khi đỗ đạt đến lúc qua đời, Trạng nguyên Đặng Công Chất kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền thời Lê Trung Hưng, trong đó có chức Tham tụng là người đứng đầu, quyền cao nhất trong hàng ngũ quan lại thời bấy giờ. Thể hiện chữ “đức” ở Đặng Công Chất là luôn chung thuỷ với người vợ ở quê và khéo léo từ chối ân đức vua ban, gả công chúa khi đỗ Trạng nguyên. Khi thực thi việc tuần nã giặc cướp ở Nghệ An, cụ dùng phương án “khuyên nhủ cho ra đầu thú”, rồi tâu xin triều đình cho một số người dân vốn là giặc cướp “có quyền công dân”, cấp đất canh tác, đất ở, giáo hoá cho họ phong tục thuần hậu. Dân làng Thiết Lâm nhớ ơn lập sinh từ thờ cụ, “khi Đặng Công Chất mất rồi, xã ấy có người thi đỗ làm quan đến chức Kinh Bắc Hiến phó, đến lễ tạ ơn cụ ở từ đường làng Phù Đổng” (Đặng Trần gia phả ký, tờ 10, dòng 10).

Nói thêm về dẹp giặc, hồi đó ở Nghệ An có loại giặc mạnh và đông tới hơn ba trăm tên tụ tập trong rừng sâu chuyên cướp bóc, gây nhiều tai họa cho dân. Đặng Công Chất đã một mình một xe đi thẳng vào tận nơi bọn cướp ở, dụ dỗ chúng ra hàng. Cụ làm tờ khải tâu lên vua xin di dân đến nơi đất khoáng đãng lập làng đặt tên, dân an cư, người đông, của nhiều, trở thành làng có thuần phong mỹ tục. Dân làng dựng miếu thờ cụ, gọi là “Đặng Trạng nguyên sinh từ” (Đền thờ sống Trạng nguyên họ Đặng). Chữ “đức” còn thể hiện ở sự hiếu đễ, lòng trung thành. Đang ở quê chịu tang mẹ, vụ kiêu binh nổi loạn ngày 9 tháng 5, có lời Chúa nhắn gọi, cụ lập tức về Kinh, Quân Tam phủ nổi loạn giết Đặng Quốc Khôi, triều đình chấn động, sai vời ông. Cụ liền đến ngay để giải quyết. Khi cụ đến kinh, quân sĩ nhìn thấy liền xếp hàng vái lạy. Cụ trách cứ, rồi sai giết tên cầm đầu. Giải quyết việc đó ổn định, Đặng Công Chất bèn sửa lễ vật đầy đủ đến lễ Thượng thư Đặng Quốc Khôi ở xã Nguyệt Áng. Đọc tế văn rằng: “Con người sống như cầm thú hầu như ít kẻ sĩ lấy cương thường làm quý. Thương thay! Tân hữu là bậc trung hiếu Trạng nguyên, chính trực quân tử, nước không mất mà còn được là do có đạo, giặc nhiều như cỏ mà vẫn giữ được đạo, cái người ta ham muốn là sự sống. Văn Thừa Tướng đã bỏ cái sống mà giữ lấy nghĩa phải chăng là không biết giữ lấy bản thân mình, bởi mệnh làm ra như thế mà thôi”.

Tiếp đó Đặng Công Chất kiêm lãnh ba trấn (Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng) tùy ý xử lý mọi công việc. Tình nghĩa giữa cụ với thầy dạy học – Tiến sĩ Phạm Công Trứ, với bạn đồng liêu – Thượng thư Nguyễn Quốc Khôi thật cảm động. Khái quát về sở thích của vị đại quan, sách Đặng gia thế phả ghi: (Đặng Công Chất) không làm dinh thự và để của. Làm quan chẳng thiết lợi lộc, bao nhiêu bổng lộc đem cấp cho người thân thuộc, nhà không có của thừa… Lúc bé thường ăn canh mướp, đến khi phú quý vẫn ăn canh mướp.

Trong lĩnh vực “lập ngôn”, Đặng Công Chất là đồng tác giả sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (phần Bản kỷ tục biên, viết xong năm 1665), sách “Đại Việt Lê triều đế vương trung hưng công nghiệp thực lục”,viết năm 1676, bài thơ xướng họa với quan đại thần Trung Quốc là Dịch Bất Miễn trong lần đi sứ năm 1682- 1683. Cụ cũng được giao cùng Hồ Sĩ Dương tu sửa lại bộ Lam Sơn thực lục. Trạng nguyên Đặng Công Chất là một người có tài cao, đức trọng và đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng đất nước ở cuối thế kỷ XVII.

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, thiên nhiên, ngôi đền còn giữ được như hiện nay là cố gắng lớn của chính quyền, dòng họ Đặng Trần và nhân dân làng Phù Đổng. Nhà thờ Trạng nguyên Đặng Công Chất hiện ở xóm Dâu, thôn Phù Đổng II, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cổng đền làm theo kiểu “tam môn”, ba cửa cuốn vòm, cửa giữa rộng và cao hơn hai cửa bên. Bốn chữ Hán đắp nổi “Đặng Trần gia miếu” (tạm dịch: Nhà thờ dòng họ Đặng Trần) được đặt ở vị trí trung tâm tầng 2 cổng chính. Qua cổng, rẽ phải vào nhà thờ Trạng nguyên Đặng Công Chất, bên trái là nhà thờ cụ Thái Bảo (Đặng Công Sắt). Bố trí bên trái (bên tả) là nhà thờ cha, bên phải (bên hữu) là nhà thờ con (Đặng Công Chất là con thứ ba cụ Thái Bảo) thể hiện đạo lý kính trọng, tôn vinh bề trên. Nhà thờ có kiến trúc hình chữ nhị, toà tiền tế gồm ba gian hai dĩ, làm theo kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai. Hậu cung gồm ba gian hai dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Nhà thờ Trạng nguyên Đặng Công Chất là nơi tưởng niệm, ghi nhớ và tôn vinh về một danh nhân có công với dân, với nước ở thời Lê Trung Hưng. Di tích này đã được xếp hạng cấp Quốc gia ngày 3/8/2007. Tại địa phương làng Phù Đổng, lưu truyền nhiều giai thoại xung quanh Trạng nguyên Đặng Công Chất. Dân gian thường gọi cụ là “Trạng Gióng”.

Tháng 12 năm 2020, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên đường Đặng Công Chất cho một con đường ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ngày 16/01/2021, tại tuyến đường Yên Viên, Đình Xuyên, Phù Đổng, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm đã long trọng tổ chức gắn biển tên đường Đặng Công Chất. Theo đó, đường Đặng Công Chất là đoạn đường từ ngã ba giao cắt đường Hà Huy Tập tại số 518 và Cửa hàng xăng dầu Yên Viên, đến ngã ba giao cắt đường Dương Hà. Đường Đặng Công Chất có chiều dài 1.900m, rộng 43m, nằm trên tuyến đường Yên Viên – Đình Xuyên – Phù Đổng.

Làng Phù Đổng, 5/8/2024
Kết Nối Người Họ Đặng
(Đặng Vương Hưng – Phó chủ tịch Hội đồng Họ Đặng Hà Nội, Sưu tầm và Biên soạn)

Bài viết liên quan

Kết nối

0FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất