Chuyên gia săn danh hiệu ” Vua phá lưới”
Sinh ra trong 1 gia đình có truyền thống bóng đá, bố của Đặng Phương Nam là ông Đặng Gia Mẫn (biệt danh Mẫn “lùn”) từng là tiền vệ nổi tiếng một thời của các đội Công nhân Nghĩa Bình và Công nghiệp Hà Nam Ninh. Bản thân cái tên (họ Đặng ở… phương Nam) của anh cũng là một kỷ niệm của bố: Nam ra đời vào tháng 12.1976 đúng thời điểm ông Mẫn bắt đầu công việc dạy toán tại trường Cao đẳng sư phạm Quy Nhơn (trước khi chuyển sang chơi bóng cho đội Công nhân Nghĩa Bình).
Theo lời kể của Phương Nam thì bóng đá dường như đã ngấm vào máu anh từ bé. Mới 4 tuổi, anh đã được theo bố đi đến khắp các sân cỏ trên cả nước để thi đấu trong màu áo Công nhân Nghĩa Bình. Ban đầu, ông Mẫn hướng cho Nam vào “lò đào tạo” bóng đá của Nam Định, với hy vọng anh sẽ làm rạng danh gia đình trong màu áo đội bóng quê hương. Không phụ sự tin tưởng của người cha, Phương Nam lao vào tập luyện và nỗ lực phấn đấu.
Quảng cáo“Tôi tự nhìn nhận mình là có xuất phát điểm chưa tốt. Thể lực không tốt, không được đào tạo quá bài bản từ khi chập chững theo đuổi niềm đam mê. Vậy nên mình càng phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, đặc biệt hoàn thiện khả năng tư duy”- Nam nhớ lại những ngày đầu tiên ở đội bóng thành Nam.
Với những nỗ lực của bản thân, Nam trở thành một trong số ít những cầu thủ trẻ được lên đội 1 Nam Định khi mới 17 tuổi (1993). Tiếc là trong 3 mùa giải Nam đá cho đội bóng quê hương, cứ vào đến trận chung kết giải hạng Nhất, quyết định suất lên chơi ở giải vô địch quốc gia thì đều thua.
Phương Nam trong màu áo đỏ của Thể Công |
Không hài lòng với những gì hiện có, năm 1996, Nam quyết định rời thành Nam để đầu quân cho Thể Công, đội bóng mà anh hằng ngưỡng mộ từ thuở ấu thơ. Kể từ đó trở đi, cái tên Đặng Phương Nam đã gắn chặt với Thể Công, trở thành một trong những tiền đạo lập được nhiều công trạng nhất (cùng với các tên tuổi khác như Vũ Công Tuyền hay Thạch Bảo Khanh).
Nhớ về mùa giải đầu tiên của mình ở Thể Công, Phương Nam chia sẻ: “Hai tháng sau khi trải nghiệm làm binh nhất thuần túy, tôi được gọi về Thể Công. Tôi cũng không thể tin nổi một cầu thủ không tập luyện suốt thời gian dài lại được Thể Công thử lửa và sau đó giành suất đá chính trong 12-13 trận ở lượt về mùa giải VĐQG 1996”.
Sau mùa giải đầu tiên đó, cái tên Phương Nam được biết đến nhiều hơn khi anh trở thành “chuyên gia” săn danh hiệu Vua phá lưới. Tổng cộng trong sự nghiệp của mình Phương Nam có tới 4 lần đoạt được danh hiệu này: 2 lần ở giải U.21 quốc gia báo Thanh Niên năm 1997, 1998, 1 lần ở giải U.19 quốc gia và 1 lần ở giải hạng Nhất 2006 (14 bàn).
Phương Nam chuyên gia săn danh hiệu Vua phá lưới |
Thế nhưng với Phương Nam, kỷ niệm đáng nhớ và cũng là hạnh phúc nhất trong suốt sự nghiệp “quần đùi, áo số” chính là lần cùng Thể Công đăng quang ở giải vô địch quốc gia năm 1998. Đây là chức vô địch đầu tiên trong cuộc đời cầu thủ của anh, và cũng là mùa giải mà tiền đạo này ghi được nhiều bàn thắng nhất cho Thể Công ở giải vô địch quốc gia (10 bàn).
Nhận xét về Phương Nam, cựu tiền đạo Vũ Công Tuyền cho biết: “Nam là mẫu tiền đạo cần mẫn, có khả năng chọn vị trí tốt và có những cú nước rút rồi dứt điểm đầy bất ngờ. Nổi lên rất nhanh trong màu áo Thể Công ở nửa cuối thập niên 90 để rồi sau đó trở thành một trong những tiền đạo hàng đầu Việt Nam khi ấy”.
Phương Nam và Trần Minh Chiến trong lần tập trung đội tuyển năm 1996Tư liệu |
Phương Nam (hàng ngồi thứ 2 từ trái) cùng các đồng đội một thời trong tuyển Việt NamQuang Minh |
Được gọi vào đội tuyển Việt Nam kể từ Tiger Cup 1996, Phương Nam đã có 11 năm cống hiến cho màu áo đỏ của đội tuyển quốc gia. Đỉnh cao phong độ của Phương Nam đạt được tại SEA Games 1999 khi anh và Huỳnh Đức đều ghi được 4 bàn, chỉ kém Vua phá lưới Kiatisak có đúng 1 bàn. 4 bàn thắng của Nam chia cho 3 trận gặp Lào, Myanmar và Philippines (2 bàn) còn Huỳnh Đức chỉ ghi mỗi trận đá với Lào với 4 bàn đều ở vòng bảng.
Thế nhưng khi được hỏi về trận đấu đáng nhớ nhất trong màu áo đội tuyển quốc gia thì Phương Nam lại cho biết: “Ấn tượng nhất đối với tôi là chiến thắng Myanmar ở lượt đấu cuối cùng vòng bảng Tiger Cup 2002 với tỷ số 4-2. Ở trận đấu đó, tôi được vào sân thay Quang Hả ở phút 30, sau đó kiến tạo 1 bàn cho Xuân Thành gỡ hòa ở phút 38 trước khi lập một cú đúp, để rồi cuối cùng kiếm về 1 quả phạt đền để Huỳnh Đức lập công cho đội tuyển Việt Nam”.
Năm 2009, lúc Thể Công bị giải thể và chính thức chuyển giao về Thanh Hóa, đấy cũng là thời điểm Đặng Phương Nam chính thức nói lời chia tay với sự nghiệp “quần đùi, áo số” để chuyển sang một bước ngoặc mới ở công tác đào tạo trẻ. Lẽ dĩ nhiên, với một người có tình cảm sâu đậm với đội bóng quân đội, nên lò đào tạo mà Phương Nam nhắm đến chính là Viettel. Đấy cũng là nơi cựu tiền đạo này ấp ủ giấc mơ một ngày cái tên Thể Công sẽ quay trở lại.
Bóng đá và truyền hình mang lại nhiều cảm xúc
Sau gần 10 năm tham gia công tác huấn luyện ở các đội U.11 đến U.21 và đội 1 Viettel cũng như từng tham gia làm trợ lý ở đội tuyển quốc gia cho HLV Miura, đến tháng 9.2018, Phương Nam quyết định xuất ngũ để chuyển về đầu quân cho VTVcab trong vai trò một phóng viên, bình luận viên chuyên nghiệp.
Phương Nam làm trợ lý ở đội tuyển Việt Nam thời HLV MiuraQuang Minh |
Phương Nam là 1 trợ lý mẫn cán được ông Miura nhiều lần khen ngợiQuang Minh |
Chia sẻ về sự thay đổi này, Phương Nam cho biết đây thực sự là một quyết định rất khó khăn, anh đã phải mất nhiều thời gian suy nghĩ: “Sau gần 10 năm huấn luyện, tôi có nhiều hoài bão, ấp ủ, tham vọng muốn thực hiện để tạo bước đột phá, thúc đẩy đào tạo trẻ nhưng không thành. Tôi thấy mình không còn phù hợp nữa, muốn tìm một công việc khác và việc trở thành bình luận viên chuyên nghiệp ở VTVcab là một ý tưởng thú vị”.
Giờ đây, người hâm mộ vẫn sẽ thấy một Đặng Phương Nam trên sân cỏ nhưng không phải ở trong khu vực kỹ thuật, trang phục huấn luyện mà là một chuyên gia với bộ comple chỉn chu trên sóng truyền hình.
Phương Nam chỉn chu trong vai trò bình luận viên VTV cab |
Nhận xét về Đặng Phương Nam, một lãnh đạo VTVcab cho biết: “Phương Nam là khách mời bình luận của VTVcab nhiều năm. Do có kiến thức tốt, khả năng nói trước ống kính tuyệt vời nên nhiều thời điểm dù chỉ mới cộng tác nhưng Phương Nam đã được giao trách nhiệm là người dẫn dắt các chương trình bình luận. Trong khi các bình luận viên của nhà đài thường bị người hâm mộ phê bình vì thiếu chuyên môn, nói năng không tốt thì sự có mặt của những chuyên gia như Phương Nam sẽ giúp khắc phục điểm yếu này”.
Phương Nam tâm sự, cái nghiệp bình luận viên đến thật tình cờ: “Hồi còn làm cầu thủ, bình luận viên Quang Huy hay phỏng vấn, thấy tôi trả lời lưu loát nên mời về cộng tác. Đầu tiên là AFF Cup, sau đó đến giải ngoại hạng Anh, V-League. Đến năm 2009, tôi bắt đầu chuyển hẳn sang làm bình luận viên cho kênh Bóng đá TV và nhận lời viết cho nhiều báo thể thao, trong đó các kỳ World Cup hay Euro tôi luôn được báo Thanh Niên ưu ái mời viết thường xuyên. Năm 2018 tôi cũng đã tham gia bình luận vài trận trên truyền hình báo Thanh Niên khi vào công tác tại phía Nam”.
Phương Nam tham gia bình luận trên truyền hình báo Thanh NiênT.K |
Chia sẻ thêm về những ngày đầu lên sóng, Phương Nam cho biết: “Tất nhiên, với công việc không phải sở trường của mình nên lần đầu tiên lên sóng bị run lắm. Tuy nhiên khi đã làm việc cùng những người chuyên nghiệp, mình bị cuốn theo câu chuyện, chỉ tập trung vào việc phân tích tình huống, nên dần thấy tự tin hơn. Ngoài ra, cũng rất may là bố mẹ từng là giáo viên nên tôi cũng học được các phương pháp sư phạm, tạo nên khả năng truyền đạt, diễn đạt dễ hiểu”.
Khi được hỏi “Vì sao lại thích nghề bình luận viên”, Phương Nam cười trả lời thật thà: “Trước đây quan niệm của nhiều người thường cho rằng cầu thủ chỉ biết băm bổ đá bóng, thậm chí là “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”. Tôi đã quyết tâm theo nghề bình luận viên để mọi người thay đổi tư duy đấy. Cầu thủ có thể làm mọi thứ, nếu có đam mê và chịu khó học hỏi”.
Theo Phương Nam, sự kết hợp giữa bóng đá và truyền hình mang tới nhiều cảm xúc: “Khi làm về bóng đá, mình đã có thể nghĩ ngay đến việc thể hiện trên truyền hình như thế nào. Cũng có người am hiểu về bóng đá nhưng lại chưa biết thể hiện như thế nào trên truyền hình và ngược lại. Thế nên cái sự kết hợp giữa bóng đá và truyền hình là một cái duyên của tôi và tôi cố gắng tận dụng điều đó”.
(Theo Thùy Trâm – Thanh Niên)