Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
spot_img

Lời hứa của doanh nghiệp

Chính trực được ông giải thích: là việc tuân thủ triệt để các quy định của Chính phủ, cơ quan chức năng, quy trình của công ty về phòng chống dịch và cùng nhau đoàn kết, nhẫn nại trước dịch bệnh.

Hôm qua, công ty tôi thông báo sẽ không tổ chức du lịch thường niên và tạm thời không trả lại tiền du lịch cho công nhân viên – điều chưa có tiền lệ. Nhưng cùng thông báo đó, vị tổng giám đốc nhấn mạnh: “bằng mọi cách, công ty sẽ cố gắng duy trì việc làm, thu nhập cho mỗi nhân viên”.

Trong trông báo, ông viết: “Công ty lấy làm tiếc vì phải hủy chương trình du lịch năm nay để đảm bảo an toàn cho nhân viên và trách nhiệm cung cấp hàng đúng hạn cho khách hàng. Và tôi cũng xin lỗi vì chi phí đi du lịch sẽ không được hoàn lại cho các bạn mà công ty sẽ tạm thời giữ lại. Bởi trong bối cảnh hiện tại, tôi nghĩ việc duy trì, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân viên quan trọng hơn việc chi trả lại chi phí du lịch cho mọi người. Một điều nữa, thời gian tới, trong bất cứ hoàn cảnh nào, công ty cũng sẽ không bỏ rơi các bạn, không cắt hợp đồng của các bạn ngay cả khi rút ngắn thời gian làm việc do đơn hàng giảm khiến chúng ta dư thừa nhân lực. Việc làm và thu nhập của các bạn sẽ là ưu tiên hàng đầu của công ty trong giai đoạn này. Để làm được điều đó, trong hoàn cảnh khó khăn và rất khó đoán định này, công ty cần chuẩn bị kinh phí dự phòng ở mức ở độ nhất định. Tôi tin và mong rằng, các bạn chia sẻ với công ty”.

Từ hơn nửa năm nay, vừa thực thi các biện pháp phòng tránh dịch Covid-19 trong toàn công ty, nhà máy, vừa duy trì sản xuất, nhưng điều khó khăn nhất mà chúng tôi phải nỗ lực là đảm bảo việc làm và thu nhập cho hơn ba ngàn công nhân, nhân viên. Kể từ khi dịch bùng phát lại gần đây, dù có lúc đơn hàng, doanh thu giảm sâu, nhưng chưa một lần ban giám đốc công ty có ý định cắt giảm nhân sự. Với hàng loạt đối sách kỹ lưỡng ban lãnh đạo công ty đã công bố và triển khai, chúng tôi thực sự cảm thấy an tâm và an toàn.

Cũng ngày hôm qua, trong e-mail gửi các cấp quản lý, tổng giám đốc nhấn mạnh, hành động mà công ty cho rằng cần làm nhất thời điểm này là đảm bảo công việc cho công nhân viên. Đồng thời, bằng mọi cách đáp ứng yêu cầu giao hàng cho khách hàng. Bởi trong hệ thống khách hàng của công ty hiện có nhiều đơn vị đang hàng ngày sản xuất ra những mặt hàng thiết yếu, trong đó có dụng cụ y tế, thuốc men. “Chúng ta duy trì sản xuất nghĩa là góp phần đẩy lùi dịch bệnh”, ông nói.

Có thể chúng tôi may mắn vì làm việc cho một công ty có tiềm lực mạnh. Nhưng, cũng như hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam, chúng tôi cũng đang phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Thông thường, công ty hoạt động liên tục 24 giờ một ngày, nhưng nay có lúc chỉ còn hai ca làm việc thay vì ba ca như thường lệ. Chúng tôi đang phải kiểm soát chi phí ở mức độ tối thiểu, các khoản đầu tư theo kế hoạch phải xem xét và tạm dừng nếu không quá cần thiết.

Tháng trước, đích thân tổng giám đốc yêu cầu đổi chiếc xe thuê đang phục vụ ông từ Camry sang Innova, chi phí giảm được gần 10 triệu đồng mỗi tháng. “Số tiền này cũng mua được khá nhiều khẩu trang và nguyên liệu để pha nước diệt khuẩn đúng không?”, ông nói. Công ty tôi tự mua nguyên liệu về pha chế nước diệt khuẩn cho nhân viên sử dụng theo công thức của Tổ chức Y tế thế giới.

Hôm qua, cô gái mới chuyển đến trọ nhà tôi chưa đầy một tuần gọi điện cho vợ tôi mượn 200 ngàn đồng. Cô đã thất nghiệp gần tháng nay do công ty cắt giảm lao động. Cô không có người thân nào ở đây và không còn đồng nào để mua thức ăn nên đánh liều hỏi mượn “bà chủ”. Mấy tháng rồi, nhà tôi đều phải giảm giá cho các phòng trọ, bởi biết rằng họ đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Việc làm thực sự là vấn đề sống còn của hàng triệu người Việt Nam lúc này. Hơn 9.000 doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản mỗi tháng; hơn 30 triệu người – tức gần 60% số người trong độ tuổi lao động của nước ta – đang bị ảnh hưởng công việc. Mỗi ngày, hàng trăm công ty đã và đang cắt giảm nhân sự, hoặc đỡ hơn thì duy trì công việc nhưng trả lương cầm chừng, trả chậm. Không ít doanh nghiệp tìm mọi cách đẩy nhân viên ra đường, bất chấp quy định của pháp luật, thậm chí dùng “chiêu trò” để sa thải.

Chúng ta mong những ai đang điều hành doanh nghiệp, trước khi quyết định chấm dứt hợp đồng với một nhân viên, hãy tìm hiểu gia cảnh người đó một lần, hãy nghĩ đến những hệ lụy mà gia đình họ, xã hội gánh chịu và thử nghĩ xem có thể làm gì khác cùng nhau không. Những người cùng nhau lúc khó nhất thường sẽ ở cạnh nhau lâu bền nhất.

( Tác giả Đặng Quỳnh Giang – VNexpress)

Bài viết liên quan

Kết nối

0FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất