Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
spot_img

Nhà thờ họ Đặng Đại làng Đức Phổ

Họ Đặng làng Đức Phổ có nguồn gốc từ họ Đặng Việt Nam, có bản thổ từ xứ Bắc Hà. Cách đây hơn 500 năm, tổ tiên họ Đặng đã vào đây, tổ chức khai khẩn điền địa, lập ấp định cư, đặt tên cho vùng đất mới là Đức Phổ. Từ đó đến nay, mặc dù tên tỉnh, tên huyện đã bao lần thay đổi, nhập tách, nhưng tên gọi Đức Phổ vẫn in đậm trong ký ức của bao thế hệ người dân nơi đây. Đặc biệt, người dân Đức Phổ dù ở thế hệ nào vẫn luôn nhớ đến công đức của các bậc tiên tổ đã trải qua biết bao gian khó, hy sinh để lập nên một vùng đất màu mỡ, trù phú cho con cháu an cư, lạc nghiệp từ đời này sang đời khác, thịnh vượng cho đến ngày nay.

Chính vì lẽ đó, trong các dòng họ ở Đức Phổ, hầu hết đều xây nhà thờ họ. Nhà thờ họ Đặng Đại được xây dựng trên một vùng đất rộng rãi, bằng phẳng thuộc thôn Đức Hoa, xã Đức Ninh. Theo gia phả của dòng họ thì đã có đến 5 lần xây dựng nhà thờ, trong đó lần thứ tư vào năm 1879 (thời vua Tự Đức) có quy mô hoành tráng nhất. Trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, nhà thờ bị hư hỏng nặng. Đến năm 1999, con cháu họ Đặng Đại lại một lần nữa góp công, góp của xây dựng lại nhà thờ to đẹp, khang trang như ngày nay.

Họ Đặng nói chung và họ Đặng Đại nói riêng đã có nhiều đóng góp to lớn về nhiều mặt cho dòng họ, cho làng xã, quê hương. Theo gia phả của dòng họ, cụ thủy tổ của dòng họ là Đặng Thế Lộc, hiệu Đặng Đại lang tôn thần, tước Bính Lộc hầu-không chỉ là người có công khai phá, lập nên làng Đức Phổ mà còn là một con người trí dũng, dám hy sinh vì nghĩa lớn. Con cháu họ Đặng Đại, thời nào cũng học hành tiến tới, có nhiều người đỗ đạt, danh tiếng.

Đặc biệt, từ sau Cách mạng tháng Tám, con cháu họ Đặng và nhiều họ khác ở Đức Phổ đã đỗ đạt nhiều, làm rạng danh cho quê hương, làng xã. Cũng chính vì lẽ đó, nhà thờ họ Đặng Đại là một trong số ít nhà thờ họ vinh dự được vua Tự Đức ban tặng bức Hoành phi Đặng Đại từ đường cùng với hai câu đối ở gian chính điện.

Trong thời gian trước Cách mạng tháng Tám, nhà thờ họ Đặng Đại được Chi bộ Trấn Ninh và Mặt trận Việt Minh chọn làm nơi tổ chức và họp bàn kế hoạch chuẩn bị giành chính quyền. Tại đây, nhiều kế hoạch đã được vạch ra, bàn bạc kỹ càng để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Cách mạng thành công, trong điều kiện khó khăn thiếu thốn mọi bề, nhà thờ họ Đặng Đại được sử dụng làm lớp học bình dân học vụ cho bà con, nhờ vậy mà người dân Đức Phổ sớm thoát nạn mù chữ.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhà thờ họ Đặng Đại khi là nơi trú ẩn của các đồng chí cán bộ ở trên về hoạt động, công tác; các đồng chí Công an hoạt động bí mật; khi lại đặt chỉ huy sở của đơn vị bộ đội địa phương để huấn luyện, chuẩn bị kế hoạch mở các đợt tấn công về nội thị. Trong một thời gian dài, nhà thờ cũng được đại đội 2-đơn vị bộ đội huyện Quảng Ninh do đồng chí Đặng Đổng làm Đại đội trưởng (thời kỳ từ năm 1947-1950) chọn làm nơi đóng quân, hội họp, triển khai các hoạt động để triển khai cuộc kháng chiến.

Phát huy truyền thống cách mạng của dòng họ, của quê hương, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, bà con họ Đặng Đại cùng với nhà thờ họ lại tiếp tục cống hiến cho cuộc kháng chiến. Giữa bao khó khăn, bộn bề thiếu thốn của quê hương vừa mới giành được hòa bình, nhà thờ họ Đặng Đại được sử dụng làm kho cất giữ lương thực.

Trong những năm từ 1966-1972, khi cuộc kháng chiến ở vào giai đoạn ác liệt nhất, bà con họ tộc đã quyết định tháo dỡ nhà thờ họ để làm hầm trực chiến, làm cầu giao thông. Ngôi nhà tăng được sử dụng làm cửa hàng mua bán. Hàng rào nhà thờ được tháo dỡ để lát đường, lấp hố bom. Quả chuông gia bảo của nhà thờ được đưa ra treo đầu làng để báo động cho bà con làm đồng, sản xuất khi có máy bay, tàu chiến.

Trải qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, dòng họ Đặng Đại cùng với ngôi từ đường của mình đã thật sự tự hào khi được đóng góp tích cực cho kháng chiến, cho quê hương, đất nước. Để có được ngày hôm nay, đã có nhiều người trong dòng họ ngã xuống hoặc để lại một phần thân thể trên các chiến trường. Trên tấm bia tại nhà thờ họ, tên của 58 liệt sỹ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc cũng đã được ghi danh… Con cháu dòng tộc Đặng Đại dù ở nơi đâu trên mọi miền của Tổ quốc vẫn không quên lời dạy của tổ tiên, phát huy truyền thống yêu quê hương đất nước, luôn tương thân tương ái và cố gắng phấn đấu trên mọi lĩnh vực.

Qua 500 năm, đến nay, dòng tộc họ Đặng đã có 21 đời hậu duệ lập thành 7 chi, 26 phái ở khắp trong nước và cả nước ngoài. Từ tổ tiên ở phía Bắc dần phát triển vào miền trong, như: Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, TP. Đà Nẵng, Nghệ An… đến các nước láng giềng, như: Lào, Thái Lan. Riêng tại tỉnh Chăm-Pa-Xắc (Lào), có riêng một làng người Việt với hơn 1.200 khẩu,  trên 300 gia đình sinh sống có nguồn gốc từ làng Đức Phổ, trong đó dòng họ Đặng Đại chiếm đến hơn ¼ dân số. Bà con dù sống xa quê nhưng vẫn luôn hướng về tổ tiên làng xã, cùng nhau giữ gìn tập tục của quê hương. Ở đó, họ đã mở trường dạy tiếng Việt và cả tiếng địa phương bản xứ.

Năm 1999, con cháu họ Đặng Đại lại một lần nữa tiếp tục sự nghiệp dựng xây nhà thờ. Trên khuôn viên cũ, một ngôi từ đường lại được mọc lên với quy mô bề thế nhất. Dòng họ đã lập thêm 2 tấm bia đá, tấm bên tả là văn bia lược sử Đặng Đại tộc, tấm bên hữu lưu danh 58 liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Con cháu họ Đặng Đại ở Đức Phổ cũng đã kết nối với con cháu họ Đặng trên mọi miền Tổ quốc. Từ đó đến nay, hàng năm, đều tổ chức họp mặt vào dịp kỷ niệm ngày thành lập làng.

Nhà thờ họ Đặng Đại làng Đức Phổ với hơn 500 năm trường tồn, chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử của quê hương, làng xã, đặc biệt là đã có nhiều công lao, đóng góp trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, vào thắng lợi chung của quê hương, đất nước. Chính vì vậy, nhà thờ không chỉ là ngôi từ đường của dòng họ mà nó đã trở thành di sản chung của làng xã, của quê hương, được các cấp có thẩm quyền công nhận, xếp hạng di tích là tâm nguyện của bà con dòng họ và cũng là nguyện vọng chính đáng của chính quyền và nhân dân Đức Ninh.

Rồi đây, cùng với các di tích lịch sử như Khu Giao tế Đức Ninh, Trận địa lão quân Đức Ninh, Trận công đồn Bình Phúc…, di tích nhà thờ họ Đặng Đại làng Đức Phổ sẽ bổ sung vào danh sách các di tích trên địa bàn, làm phong phú thêm nguồn di sản của quê hương cũng như đáp ứng nhu cầu của khách du lịch khi đến Quảng Bình.

(Theo Báo Quảng Bình)

Bài viết liên quan

Kết nối

0FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất