Ðồng nghiệp, bạn bè, những người thân và gia đình đã không thể tin nổi rằng vào cái thời khắc nghiệt ngã của chiều muộn ngày thứ bảy, 10-4-2004, nhà khoa học y học lớn, người thầy của nước ta đã không còn nữa.
Sớm đi theo cách mạng, mới 16 tuổi chàng thanh niên Hà Nội sinh trưởng trong một gia đình trí thức truyền thống đã hăng hái tham gia Ðội tự vệ chiến đấu thủ đô với lý tưởng vì một đất nước Việt Nam tự do và độc lập. Ra đi kháng chiến trên các chặng đường của các đoàn quân vệ quốc gian lao và vất vả nhưng không làm sờn lòng kiên trung của trái tim tuổi trẻ Ðặng Ðức Trạch.
Rồi anh theo lớp Ðại học Y khoa đầu tiên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vừa học vừa tham gia các đội phẫu thuật tiền phương đi hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Với tư chất thông minh, sau khi đỗ bác sĩ loại xuất sắc vào năm 1955, anh được cử đi học chuyên sâu tại CHDC Ðức, và cũng tại đây, năm 1963 anh thi đỗ Tiến sĩ khoa học y học và được phong hàm Phó Giáo sư của Ðại học Humboldt (Berlin) khi mới hơn 30 tuổi.
Con đường khoa học đã mở ra rất sớm với tài năng trẻ Ðặng Ðức Trạch, một thế hệ vàng của y học nước nhà tiếp nối các bậc thầy lỗi lạc: Hồ Ðắc Di, Hoàng Tích Trý, Tôn Thất Tùng, Ðặng Văn Ngữ, Hoàng Tích Mịch… Cùng với giáo sư Hoàng Thủy Nguyên, hai anh như một cặp đôi đồng hành thân thiết, một là nhà vi khuẩn học, một là nhà virus học, dường như không biết mỏi mệt dâng hiến cả đời mình cho công cuộc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo.
Là lớp các bậc thầy giảng dạy về vi sinh và dịch tễ học hàng đầu khi các bộ môn này mới được thành lập tại Trường đại học Y – Dược, đồng thời cũng là lớp người mở đường và xây dựng chuyên ngành Miễn dịch học và Vaccine học mới của nước ta, Giáo sư Ðặng Ðức Trạch không ngừng đưa các tiến bộ khoa học của lĩnh vực này vào nghiên cứu cơ bản, chế tạo vaccine, sinh phẩm và ghép tạng sau này.
Nhắc tới Giáo sư Ðặng Ðức Trạch không thể không nói tới những công lao to lớn của ông trong lĩnh vực vaccine vi khuẩn: sự sáng tạo và đổi mới trong công nghệ vaccine BCG phòng lao. Ông trở thành người học trò và người đồng nghiệp thân thiết xuất sắc của cố Bộ trưởng, Anh hùng Lao động Phạm Ngọc Thạch trong công việc này. Các vaccine thương hàn, tả, uốn ván, ho gà, bạch hầu…. mà ngày nay hàng triệu trẻ em đang được hưởng thụ miễn dịch, đều được ông khởi xướng, phát minh và sáng tạo.
Bạn bè năm châu đã không khỏi ngạc nhiên khi ở một nước Việt Nam còn kém phát triển lại có một ngành vaccine phát triển rực rỡ, mang lại nhiều kết quả thực tế đến như vậy. Chương trình Phòng chống các bệnh tiêu chảy, chương trình Tiêm chủng mở rộng mà ông làm chủ nhiệm nhiều năm đã góp phần to lớn làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong xuống hàng chục lần. Nhiều bệnh đã ít thấy hoặc không còn thấy nữa.
Sinh thời, ông trăn trở biết bao cho việc đưa khoa học vào phục vụ thực tiễn đời sống và sức khỏe của số đông người. Dành nhiều tâm sức cho việc đào tạo đội ngũ y tế chuyên ngành từ thấp đến cao, từ kỹ thuật viên lành nghề đến tiến sĩ khoa học. Với tầm nhìn có sức khái quát cao, ông vạch hướng cho chiến lược y học dự phòng, cho phát triển các loại vaccine thiết yếu, công cụ hữu hiệu và chủ động nhất cho phòng, chống dịch bệnh. Mạng lưới y tế dự phòng trên cả nước, từ các tỉnh biên giới xa xôi đến hải đảo đều có công sức của ông xây dựng, vun trồng. Khoa học – kỹ thuật và công nghệ được Giáo sư Ðặng Ðức Trạch nâng lên tầm cao nghệ thuật. Những công trình, bài viết, bài giảng, luận đề chuyên khảo của ông bao giờ cũng súc tích, kiệm chữ, kiệm lời mà trong sáng dễ hiểu. Ðồng nghiệp trong nước và quốc tế ngưỡng mộ và nể phục ông chính vì sức hút bản ngã lớn lao này. Nhiều năm liền và cho đến tận hơi thở cuối cùng, Giáo sư Ðặng Ðức Trạch là thành viên Ban Chấp hành cố vấn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nghe tin ông mất những bác y tá, y công, kỹ thuật viên già đã từng làm việc với ông hoặc dù chỉ gặp ông một lần đã bật khóc. Lớp lớp các học trò của ông, người là Giáo sư, Viện trưởng, Hiệu trưởng trường đại học, người giữ trọng trách cao cho đến các thầy thuốc bình thường ở tận bản làng xa xôi đều đau xót, ngậm ngùi tiếc thương ông – một nhà khoa học lỗi lạc, một người thầy kính mến, một người anh cả hết lòng, một người bạn chân tình và độ lượng.
Không chỉ là người làm khoa học say mê và miệt mài, Giáo sư Ðặng Ðức Trạch cũng là người ông, người cha, người chồng yêu quý của gia đình. Những giờ phút rảnh rang ít ỏi, ông dành yêu mến chiều chuộng hai cháu nội nhỏ thân yêu. Thật là logic với tình yêu rộng lớn của ông dành cho tất cả cháu nhỏ Việt Nam khi ông có một ao ước tột cùng là có thật nhiều vaccine miễn phí cho các cháu.
Tôi không tin rằng ông đã ra đi, người thầy, người anh rất đỗi kính yêu mà tôi có vinh dự được sống và trưởng thành bên cạnh ông suốt mấy chục năm trời từ khi còn là một sinh viên năm thứ nhất của Ðại học Y – Dược khoa với những bài giảng vi sinh vật học dí dỏm và thích thú. Sau này, tôi được làm việc bên ông.
Dưới sự dẫn dắt của ông, tôi hiểu được phải làm khoa học thế nào, tổ chức phòng, chống dịch bệnh ra sao và các kỹ năng trong phòng thí nghiệm như một kỹ thuật viên và cái đầu và suy nghĩ phải là một anh bác sĩ, một người làm khoa học. Ảnh hưởng sâu sắc nhất chính là sự súc tích và đơn giản đến lạ lùng của ông trong làm khoa học và viết luận đề khoa học cùng những báo cáo mang tính hàn lâm đến mức nghệ thuật. Sự thông minh và uyên bác trác việt đã làm tôi mê đắm và ngưỡng mộ, và đúng là ở gần thầy nên được xin chữ thầy rất nhiều.
Lòng cương nghị và vị tha cũng là đặc tính của thầy Trạch. Có nhiều cách để thuyết phục hoặc chỉ bảo, bao giờ thầy cũng đi bằng con đường tình cảm khiến người được nghe rất “tâm phục khẩu phục”. Là nhà khoa học lớn, tình cảm với các đồng nghiệp quốc tế – nhất là sự chu đáo đến tuyệt vời của Giáo sư khiến tôi cũng được “ăn theo” và qua đó học cách đối xử để có được nhiều sự hợp tác quốc tế khoa học cho viện.
Ở bên cạnh thầy Trạch tôi đã học được bao điều hay, bao kiến thức. Với niềm vinh dự được ở bên thầy lâu dài như vậy, tôi ao ước được chia sẻ với tất cả mọi người. Tôi nghĩ về Giáo sư Ðặng Ðức Trạch với một hình tượng mà tôi đã viết trong bài này: “Là người đi giữa mọi người”. Rất hiếm khi thấy Giáo sư nói về mình, cũng rất sợ ai nói, ai viết về mình. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Ðặng Ðức Trạch là nhà khoa học y học của cộng đồng và vì cộng đồng.
(Theo GS Hoàng Thủy Long Báo ND)