Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
spot_img

Ông Đặng Văn Lơ – Người đầu bếp tận tụy phục vụ Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Hơn 28 năm phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Ông Đặng Văn Lơ sinh năm 1929, quê ở Phú Bình, Thái Nguyên. Nhà ông rất nghèo, chỉ học đến lớp 3 rồi vào bộ đội, ông được biên chế vào trung đoàn 15, đại đội 421, đóng quân ở chợ Chu (Thái Nguyên). Năm 1949, có cố vấn Trung Quốc sang giúp Việt Nam nên một số bộ đội được chọn đi học nấu món ăn Trung Quốc. Tổng số học viên có 150 người, ông là một trong những học viên xuất sắc nhất, thường xuyên được nấu tiêu chuẩn “đặc táo” (tức là tiêu chuẩn cao, trên “trung táo” và “tiểu táo”). Từ đó, ông là đầu bếp thuộc cơ quan ngoại giao.

Mùa thu năm 1952, chiến dịch Tây Bắc nổ ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần sang làm việc với các cố vấn và có đi qua nhà bếp nơi ông làm việc. Khi Bác đi qua, ông biết là Bác nhưng vì giữ bí mật nên ông không dám chào. Mấy lần đó, ông Đinh Văn Cẩn(1)  đều đến nấu cơm cho Bác trong cùng gian bếp với ông Lơ nên hai người biết nhau. Thấy ông Lơ là người chăm chỉ, thật thà lại khỏe mạnh, nấu ăn ngon nên ông Cẩn chú ý. Kháng chiến thành công, Trung ương về Hà Nội, khi cần đầu bếp, ông Cẩn đã giới thiệu ông Lơ với tổ chức và được chấp nhận.

Năm 1960, ông Đặng Văn Lơ được điều động từ cơ quan ngoại giao về công tác tại Văn phòng Thủ tướng với nhiệm vụ là đầu bếp chính của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông Lơ phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến năm 1988 thì nghỉ, tổng thời gian ông nấu ăn cho Thủ tướng là 28 năm 6 tháng. Sau đó, ông được ưu tiên sang Trung Quốc làm đầu bếp tại Đại sứ quán Việt Nam thêm 3 năm nữa thì về nghỉ hưu.

Những tháng ngày phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ năm 1960 đến năm 1969, trên danh nghĩa, ông Đặng Văn Lơ là đầu bếp phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn đầu bếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là ông Đinh Văn Cẩn. Nhưng trên thực tế, hai ông là thành viên một tổ bếp với biên chế hai người, cùng phục vụ Chủ tịch nước và Thủ tướng. Đó là bởi hàng ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường ăn cơm chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trừ những ngày Thủ tướng tiếp khách hoặc bận làm việc. Có thể nói, đây là một trường hợp hiếm thấy: Chủ tịch và Thủ tướng của một nước ở cùng trong một khu chỉ cách nhau khoảng 30m, vườn chung, sân nối liền và cùng ăn chung một mâm trong suốt nhiều năm. Trên bảng chấm cơm của nhà bếp, để giữ bí mật, Bác Hồ được ghi tên là cụ Hiền và ông Phạm Văn Đồng là ông Lành.

Nhiệm vụ thường nhật của tổ bếp là đi chợ, nấu ăn ba bữa chính cùng các món nhẹ và dọn dẹp bếp. Ngoài ra, hai ông còn nấu phục vụ Bác mời cơm Bộ Chính trị, khách quý, anh hùng, chiến sĩ thi đua. Có lần, các ông nấu cho đoàn Liên Xô trên 30 suất, cả ăn và phục vụ bánh ngọt, cà phê, làm từ bếp rồi chuyển sang nhà khách lớn, xong việc lại dọn chuyển về ngay trong đêm hôm đó. Khối lượng công việc lớn như vậy nhưng từ đầu đến cuối chỉ có hai người nấu. 

Một ngày làm việc của hai ông bắt đầu từ 4 giờ sáng. Ông Lơ dậy đi lấy sữa bò, ông Cẩn ở nhà chuẩn bị pha cà phê, sắp sẵn bữa sáng của Bác và Thủ tướng. Ông Lơ mang sữa về đun nước sôi chế cà phê vào rồi đưa lên. Hai người làm xong việc thì thống nhất thực đơn lấy hàng. Ông Lơ sẽ đi nhận các thứ thực phẩm từ Tôn Đản đưa về, đựng trong một chiếc hòm bằng gỗ, đề số 401. Bên trong hòm có 2 hộp nhôm để riêng hàng chín và hàng tươi sống kèm theo hóa đơn. Nếu thiếu đồ gì, ông Cẩn ghi lại để ông Lơ đạp xe ra chợ mua về rồi hai người cùng làm. Thỉnh thoảng ông Cẩn cũng đi chợ để tham khảo thị trường. 9 giờ sáng hai ông bắt tay vào làm bữa trưa. Buổi trưa xong việc, các ông tranh thủ ngủ một lúc, chiều có khách ăn cơm thì lại làm, có hôm khách đông thì làm đến tận 11 giờ đêm, còn bình thường làm đến tối. Hàng tuần hai ông vệ sinh bếp, lau rửa nhà cho sạch sẽ. Xoong nồi đem ra bờ ao đánh trắng bóng. Bát, đĩa cũ thì thay. Những khi Bác đi công tác dài ngày thì ông Lơ và ông Cẩn tháo mành ở nhà sàn, mang bể cá đem đi rửa, lau chùi thật sạch và dọn dẹp cả nhà ăn. Làm xong thì hai ông được nghỉ, ông Lơ tranh thủ về quê thăm gia đình.

Ngoài việc nấu ăn, ông Đặng Văn Lơ còn được phân công giữ kho bát đĩa và kho thực phẩm; giặt khăn ăn, khăn bàn, có lúc giặt quần áo và là quần áo cho Bác; pha nước, rửa ấm chén, lau bàn ghế, lau dọn sàn trong căn phòng Bộ Chính trị họp. 

Tổ bếp làm việc trực tiếp với ông Cù Văn Chước (2). Khi có nhiệm vụ, ông Chước sẽ phác họa ra rồi hai ông làm đúng như thế, sau đó ông Chước kiểm tra lại. Khi tổ bếp có yêu cầu gì cũng đề đạt với ông Chước để được giải quyết. Ông Chước căn cứ vào bảng chấm cơm và hóa đơn cửa hàng hoặc kê khai có chữ ký của cả hai người trong tổ bếp để thanh toán theo tháng từ lương của Bác và ông Tô(3). Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện còn lưu giữ nhiều chứng từ nhà bếp Phủ Chủ tịch có chữ ký của hai ông.

Kê khai mua hàng ngày 03/02/1966, có chữ ký của ông Đặng Văn Lơ và ông Đinh Văn Cẩn. Ảnh: BTHCM

Tiêu chuẩn đầu tiên khi nấu ăn cho các lãnh đạo là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi ngày vào sáng, trưa, chiều, trước giờ ăn 1 tiếng, đều có người từ Cục Cảnh vệ lấy mẫu đem về kiểm nghiệm, nếu không vấn đề gì thì thôi, nếu có họ sẽ gọi điện sang báo ngay. Do đó, để đảm bảo vệ sinh, tất cả thực phẩm tươi sống như gà, cá,… đều do các ông tự giết mổ, không có thứ gì mổ sẵn ở ngoài. Ngoài thức ăn, còn kiểm nghiệm về móng tay, quần áo và con người; kiểm nghiệm môi trường xung quanh, xem các cửa, bàn ghế có sạch không. Do vậy, đồ dùng tiếp khách thì nhiều, đồ dùng của Bác có ít, những dụng cụ này đều được ông Lơ đánh rửa sạch. Bàn được lau trắng bong, từ mặt bếp đến nồi xoong, bát đĩa đều sạch sẽ. Mâm cơm bê lên có đĩa đậy, có khăn trắng phủ. Nếu trời mưa gió thì phải có nilon trắng phủ trên thức ăn để đảm bảo vệ sinh tuyệt đối. Trước khi bày thức ăn, bát đũa được nhúng nước sôi và lau bằng khăn sạch. Mâm cơm ăn xong được mang xuống bếp dọn rửa và để riêng ở một tủ để tránh ruồi, tránh ô nhiễm. Bếp giữ rất nghiêm ngặt, không ai ngoài hai người tổ bếp được ra vào, nhân viên phục vụ, kể cả hai ông, đều không ăn ở đó mà ăn cơm bếp tập thể. Do tuân thủ đúng nguyên tắc nên trong bao năm làm việc, chưa bao giờ các ông bị Cục Cảnh vệ gọi điện. Đó là điều ông Lơ rất lấy làm tự hào.

Ông Đặng Văn Lơ chế biến một bữa cơm như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (năm 2011). Ảnh: BTHCM

Bên cạnh những tiêu chuẩn trên, người đầu bếp nấu ăn cho Bác Hồ còn phải đáp ứng một yêu cầu rất quan trọng: tiết kiệm. Bữa cơm của Bác rất giản dị, cùng với cơm có 3 món chính là canh, rau, thịt hoặc cá, ăn xong tráng miệng bằng một quả táo nướng. Người luôn dặn các ông chỉ làm vừa đủ, không được làm thừa, lãng phí. Khi ăn, món nào không ăn hết, Bác trở đầu đũa để riêng, bảo quản trong tủ, đến chiều hâm nóng để Bác dùng tiếp. Ngay cả khi có khách, Bác Hồ cũng dặn kỹ hai người nấu bếp là làm vừa đủ ăn, không được làm thừa và làm ít món. Điều này khiến tổ bếp phải tinh ý quan sát. Khi Bác ăn xong, các ông thường xem món nào hết, món nào không hết. Lần đầu múc một bát canh to Bác không ăn hết, sau các ông múc bát nhỏ vừa phải thì Bác ăn hết. Dần dần, hai ông nắm được “cữ” ăn của Bác và đưa lên theo một mức nhất định: cá bống kho tộ chỉ gắp 5 con, thịt kho Tàu đúng 4 miếng, nhiều hơn thì thừa. Những hôm tiếp khách, nhà bếp quán triệt lời Bác nhưng cũng phải làm dư một chút phòng bị thiếu, nếu còn thì để làm bữa khác cho khách.

Ý thức được sức khỏe của Bác Hồ là tài sản vô giá, những người đầu bếp phục vụ Người luôn cố gắng hết sức để nấu được những bữa cơm ngon đảm bảo dinh dưỡng. Các món chính được thay đổi hàng ngày, trong một tuần không ăn trùng các món đã ăn, thậm chí lúc thành phố có nhiều thực phẩm thì trong 10 ngày cũng không ăn trùng. Mùa nóng thì thường xuyên phải nấu món mát như rau ngót, rau mồng tơi với cua, bí bầu và canh cá chua… Mùa rét thì các ông nấu các món nóng sốt. Bữa sáng có hôm là cơm rang với nước dùng gà; hôm khác là bánh mì với trứng ốp la; có khi lại là bánh mì với xúc xích chấm mù tạt. Khi phục vụ họp Bộ Chính trị, các ông thay đổi món luôn: bánh cuốn với giò, phở, mì vằn thắn, cháo cá,… vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng.

Một bữa cơm như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng do ông Đặng Văn Lơ chế biến tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (năm 2011). Các món chính gồm canh cá nấu chua, thịt kho Tàu (4 miếng), ngồng cải xào lòng gà và món tráng miệng táo nướng.

Sự quan tâm của những người đầu bếp phục vụ Bác còn thể hiện ở cách chế biến món ăn. Những món ăn tưởng chừng đơn giản, nhưng luôn được các ông gửi gắm rất nhiều tình cảm trong đó. Chẳng hạn như rau muống luộc, hai ông nhặt lấy những cọng rau non, nhặt ngắn chứ không nhặt dài và gần đến giờ ăn mới luộc. Hay như món ăn Bác thích là thịt mỡ kho, nhưng vì tuổi Bác đã cao, bác sĩ khuyên không nên cho Bác ăn, hai ông phải mua thịt lợn ba chỉ, ít mỡ đem thịt luộc một lúc rồi gói vào vải màn ép hết mỡ, tẩm ướp gia vị rồi kho. Còn các món thịt hoặc cá, nếu là cá quả thì phải rút hết xương, nếu là chân giò thì phải cạo sạch rồi lấy nhíp nhổ hết lông…

Bằng tình cảm và tấm lòng kính yêu vô hạn với Bác, trong gần 10 năm, ông Đặng Văn Lơ đã cùng ông Đinh Văn Cẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không nề hà khó khăn vất vả, đảm bảo phục vụ tốt bữa ăn hàng ngày, góp phần ổn định sức khỏe để Bác chăm lo cho dân cho nước.

Những kỷ niệm sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thời gian làm đầu bếp tại Phủ Chủ tịch đã để lại trong ông Đặng Văn Lơ nhiều kỷ niệm đẹp về Bác. Ông thấy vui nhất là bữa cơm tất niên, ngày 28 hoặc 29 Tết hàng năm. Bác mời những anh em phục vụ, bảo vệ Bác, mỗi đơn vị mấy người ăn cơm ở sân nhà ông Tô. Các ông đến ăn cơm và chụp ảnh chung với Bác. Bác ân cần bảo, anh em vất vả quanh năm, bữa cơm này phải ăn thật khỏe, thật nhiều, ăn cho hết. 

Bác luôn quan tâm đến mọi người, sống giản dị, tình cảm chân thật. Những hôm trời mưa, các ông định mang cơm lên nhà sàn, Bác trông thấy từ xa bảo bê về, rồi Bác tự xắn quần đi xuống nhà ăn. Những khi Người đi công tác, các ông nấu món khô để Bác ăn dọc đường. Những món quay, nướng thì đóng vào cặp lồng nhiều ngăn, còn súp, cà phê và sữa đun sôi rồi cho vào các phích. Đi đến nơi, dừng ở đoạn đường vắng, trải ni-lông ra mời Bác ngồi ăn tại chỗ. Bác không cho địa phương làm cơm, vì Bác bảo tiếp một mình Bác mà bày cỗ bàn linh đình sẽ tốn kém của dân của nước.

Đặc biệt, có hai lần, ông Đặng Văn Lơ được nói chuyện trực tiếp với Bác Hồ mà ông không bao giờ quên. Một lần, ông đi chăn bò về (bò của tập thể cải thiện), gặp Bác, ông dừng lại chào thì Bác hỏi: “Nhà chú đông con lắm phải không?”. Ông thưa Bác: “Vâng ạ!”. Rồi Bác đi vào chỗ ông Vũ Kỳ. Mấy hôm sau thấy ông Vũ Kỳ mang chăn, áo len và quần áo gụ của Bác Hồ cho ông. Sự quan tâm của Bác đã làm ông vô cùng cảm động.

Lần thứ hai, ông Lơ đang đánh xoong nồi ở bờ ao, Bác đi qua trông thấy, Bác hỏi ông:

– Chú đánh xoong nồi bằng gì?

– Thưa Bác, bằng cát và trấu ạ.

Bác bảo: “Đánh bằng trấu và cát thì xoong nhanh mòn, lại không bóng, chú chịu khó đánh bằng tro bếp, nó lâu một tí nhưng nồi không bị mòn mà lại bóng”. Ông Lơ nhận ra Bác đang dạy mình đức tiết kiệm.

Kỷ niệm về những năm tháng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông Đặng Văn Lơ hết sức trân trọng. Ông luôn coi việc được nấu ăn cho Bác Hồ là niềm vinh dự lớn lao, là quãng thời gian khó quên trong cuộc đời mình. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ khi được vinh dự phục vụ Bác Hồ đến khi về hưu và cả những năm cuối đời sống trong Trung tâm Chăm sóc Người Cao tuổi Nhân Ái, ông vẫn giữ tác phong, lối sống giản dị, tiết kiệm học được từ Người. Ngày 19/05/2020, trong chương trình Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của Trung tâm Nhân Ái, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn nhận lời nói chuyện, chia sẻ những hồi ức, kỉ niệm về Bác với những người bạn cùng Trung tâm, để mọi người thêm hiểu, thêm yêu vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

(Theo Ths Hà Hạnh – Bảo tàng Hồ CHí Minh)

Bài viết liên quan

Kết nối

0FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất