Thứ tư, Tháng mười 16, 2024
spot_img

Tưởng niệm 615 năm ngày mất của Quốc công Đặng Tất (1409-2024) và khánh thành công trình tu bổ tôn tạo miếu thờ Đặng Tất

Miếu thờ và mộ của Quốc công Đặng Tất (1357-1409) tại thôn Thế Vinh, xã Phú Mậu, Thành phố Huế được công nhận là di tích cấp tỉnh từ năm 2012. Với nỗ lực của Hội đồng họ Đặng Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của Sở Văn hóa và Thể thao và chính quyền địa phương, di tích đã được tu bổ hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa.

Lễ cắt băng khánh thành giai đoạn 1 trùng tu miếu thờ Quốc công Đặng Tất

Di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh là một bộ phận quan trọng trong tổng thể giá trị di sản văn hóa, là tài sản vô giá của mỗi dân tộc, một cộng đồng dân cư trong xã hội. Nghị quyết Trung ương V khóa VIII đã đề ra mục tiêu xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhận thức vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là nền tảng, là động lực để phát triển kinh tế – xã hội, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung cụ thể hóa các quy định và mạnh dạn đưa ra những chính sách, xây dựng cơ chế nhằm từng bước giải quyết những vấn đề giữa bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích gắn với phát triển kinh tế – xã hội. Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 07/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc hỗ trợ đầu tư, bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 ra đời là bước đi đúng đắn nhằm kịp thời hỗ trợ tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, nhiều công trình, địa điểm di tích có nguy cơ sụp đổ được đầu tư, tu bổ bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Việc tu bổ, tôn tạo di tích miếu thờ Đặng Tất từ nguồn xã hội hóa 100% của con dân họ Đặng Việt Nam đóng góp ở trong và ngoài nước thể hiện lòng thành kính, tri ân những chiến công hiển hách của Quốc công Đặng Tất với dân với nước.

Trình diễn lân sư và múa nghệ thuật tại Lễ khánh thành

Quốc công Đặng Tất (1357- 1409), người làng Tả Hạ, huyện Thiên Lộc, phủ Huệ Quang, tỉnh Nghệ An, nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra trong một gia đình danh tiếng, thuở nhỏ đã nổi tiếng khẳng khái và là người hiếu học. Ông thi Hương đỗ Cống sĩ, thi Hội trúng Tam Trường, đỗ Thám Hoa, có thể nói Đặng Tất là một người văn võ toàn tài, thao lược hiếm có. Dưới thời Trần vào năm 1391, Đặng Tất được cử làm Châu phán Hoá Châu. Năm 1400, khi nhà Hồ lên thay nhà Trần, Đặng Tất được giao làm Đại tri châu Hoá Châu, nắm toàn quyền quyết định ở vùng đất này (tương đương với phần phía nam Quảng Trị và toàn bộ Thừa Thiên huế hiện nay). Trong bối cảnh đất nước cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV với những biến động, trước sự suy yếu của nhà Trần, sự thay thế đột ngột của nhà Hồ và nạn xâm lăng của quân Minh (Trung Quốc), Đặng Tất nổi lên như một vị anh hùng lỗi lạc, xuất chúng. Trong sách Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn đã ca ngợi và đề cao sự khai sáng cơ nghiệp văn vật ở vùng đất Thuận Hóa của cha con Đặng Tất – Đặng Dung như sau: “Nhân tài đời nào cũng có. Đất Thuận Hoá ở thời nhuận Hồ có cha con Đặng Tất – Đặng Dung vì tài tướng văn, tướng võ mà nổi danh”.

Đại diện tỉnh phát biểu và trao Giấy khen cho cộng đồng nhân dân thôn Thế Vinh.

Có thể nói rằng, Đặng Tất là linh hồn của cuộc kháng chiến chống giặc Minh ở Thuận Hóa và sự nghiệp của ông gắn bó sâu sắc với vùng đất này và được nhân dân tin yêu mến phục, xứng đáng là nhân vật mở đầu cho truyền thống yêu nước quật khởi và văn đàn lừng lẫy của vùng đất Thuận – Quảng. Tên tuổi Đặng Tất vẫn sống mãi trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc và là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Thực hiện nghi lễ trước Miếu và mộ ngài Quốc công Đặng Tất

Nhiều nhà sử học danh tiếng nước ta, qua “Đại Việt sử ký toàn thư” và các tài liệu khác đã đánh giá công lao to lớn của anh hùng giải phóng dân tộc Đặng Tất, và xót xa cho cái chết oan nghiệt của ông. Các bộ sử, địa chí nổi tiếng của Đàng Trong như “Ô Châu Cận Lục”, “Phủ Biên Tạp Lục” và gần đây nhiều cuộc Hội thảo khoa học về dòng họ Đặng và Đặng Tất ở Huế đã khẳng định công lao to lớn của Đặng Tất đối với đất nước, với vùng đát phên dậu Thuận Hóa.

Năm 1428, sau khi toàn thắng quân nhà Minh xâm lược, Lê Lợi đã phong cho những người có công với nước, trong đó hai cha con Đặng Tất, Đặng Dung được phong “Tiết nghĩa công thần”. Đến đời vua Lê Thái Tổ lại truy phong Đặng Tất tước Đại vương và ban tám chữ vàng “Tiết liệt cương trung- Trung thần hiếu tử”. Tấm gương trung liệt của Đặng Tất, Đặng Dung, hai vị anh hùng lỗi lạc của dân tộc đã được nhà vua-thi sĩ Lê Thánh Tông ban tặng 2 câu đối:

“Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ – Anh hùng vô nhị, nhị anh hùng”

Đến thời các vua Nguyễn, từ vua Thiệu Trị đến Khải Định đã lần lượt ban cấp 8 sắc phong cho Đặng Công với các mỹ tự, trong đó có sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) phong cho “Nhị vị công tử Đặng Quốc Công là Bổn thổ Thành Hoàng” làng Thế Vinh và gia tặng thêm mỹ tự “Tĩnh hậu trung đẳng thần”. Những sắc phong đó đã được con dân làng Thế Vinh bảo quản và lưu giữ cẩn thận cho đến ngày hôm nay.

Ông Đặng Văn Hường, PCT họ Đặng Việt Nam phát biểu và trao kỷ niệm chương cho các cá nhân có đóng góp lớn cho họ tộc trong công tác trùng tu di tích.

Mặc dù lịch sử không ghi chép gì về việc an táng Quốc công Đặng Tất sau khi ông bị sát hại, nhưng ngôi mộ và miếu thờ ông tọa lạc tại làng Thế Vinh đã tồn tại qua hàng trăm năm lịch sử. Sách Ô Châu Cận Lục đã nhắc đến Miếu thờ Đặng Công tại làng Thế Vinh: “Khoảnh đất hiến phủ sạch trong, Thế Lại nhờ ơn, miếu thờ Đặng Công trung nghĩa, Thế Vinh nêu tiết”. Từ đó có thể suy luận rằng ông đã được Đặng Dung (con trai của Đặng Tất, người đã từng cùng cha tham gia tích cực trong đội ngũ nghĩa quân chống giặc Minh) đưa về đây chôn cất và lập miếu thờ. Để ghi nhớ công lao to lớn của ông, nhân dân làng Thế Vinh đã tôn Quốc công Đặng Tất làm Thành Hoàng của làng.

Trải qua thời gian tồn tại, miếu thờ và mộ phần của Quốc công Đặng Tất đã được dân làng nhiều lần trùng tu, sửa chữa và lần tu sửa gần đây vào năm 1985. Điều đó cho thấy sự tôn kính của nhân dân địa phương với một bậc khai quốc công thần anh hùng tiết nghĩa. Đặc biệt năm 2022, được sự thống nhất của UBND tỉnh, Hội đồng họ Đặng Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao cùng chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích miếu thờ Đặng Tất với tổng mức đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa của con cháu Họ Đặng Việt Nam trên toàn thế giới. Sau hơn 8 tháng thi công, đến nay công trình tu bổ, tôn tạo di tích miếu thờ Đặng Tất (giai đoạn 1) đã cơ bản hoàn thành để đưa vào sử dụng.

Trao kỷ niệm chương cho các cá nhân có đóng góp lớn cho họ tộc trong công tác trùng tu di tích.

Nhân lễ kỷ niệm 615 năm ngày mất của Quốc công Đặng Tất và cũng là dịp Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo miếu thờ Đặng Tất, đại diện Hội đồng họ Đặng Việt Nam cũng lãnh đạo và nhân dân địa phương tề tựu về đây nhằm tri ân và tưởng nhớ đến Ngài, một vị khai quốc công thần anh hùng tiết nghĩa. Việc trùng tu, tôn tạo di tích miếu thờ Đặng Tất là bước đi quan trọng và có tính định hướng cao trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị lịch sử của địa phương. Sở Văn hóa và Thể thao ghi nhận và tuyên dương những nổ lực của chính quyền địa phương đã phối hợp, hướng dẫn kịp thời để công trình được sớm khởi công. Đặc biệt là sự tích cực vào cuộc của họ Đặng Việt Nam, kêu gọi con cháu họ Đặng trên toàn thế giới chung sức, chung lòng để huy động nguồn lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích để có được diện mạo như ngày hôm nay.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là hoạt động diễn ra thường xuyên và liên tục, trong thời gian tới Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp cùng UBND thành phố Huế chỉ đạo các phòng chuyên môn, chính quyền địa phương tích cực hợp tác, phối hợp với dân làng Thế Vinh và Hội đồng họ Đặng Việt Nam tiếp tục công tác tu bổ, tôn tạo di tích miếu thờ Đặng Tất trong giai đoạn tiếp và lan tỏa ý nghĩa của công việc này với các nội dung cụ thể như sau:

Trao học bổng vượt khó cho các em học sinh xuất sắc có hoàn cảnh khó khăn của xã Phú Mậu.

Tăng cường việc giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch về vai trò, sự nghiệp của danh nhân Đặng Tất gắn liền với di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội và thông qua các chương trình lễ hội diễn ra tại di tích để tạo sự lan tỏa lớn, thu hút du khách và bà con trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái. Có chính sách đãi ngộ và khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

UBND thành phố Huế chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương hoàn chỉnh các thủ tục điều chỉnh mở rộng diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích theo đề xuất của Bảo tàng Lịch sử làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý bền vững sau này. Tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng họ Đặng Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang tổng thể di tích miếu thờ Đặng Tất trong giai đoạn tiếp theo nhằm từng bước chỉnh trang, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới.

Về lâu dài, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ chỉ đạo Bảo tàng Lịch sử phối hợp với các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu, thu thập tư liệu nhằm đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép nâng cấp di tích miếu thờ Đặng Tất lên di tích cấp quốc gia để xứng đáng với vai trò và vị thế của vị danh nhân Khai quốc công thần có công lao to lớn đối với dân với nước, nhằm giáo dục lịch sử văn hóa và truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.

( TS.Phan Thanh Hải – Tạp chí Đông Nam Á )

Bài viết liên quan

Kết nối

0FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất