Đó là một người có cuộc đời đặc biệt, một số phận bi hùng và từ lâu đã trở thành giai thoại. Nhiều tướng lĩnh Việt Nam đã tự nhận là lính của Đặng Văn Việt trước đây. Dù tài hoa nhưng dường như số phận đã quay mặt lại với ông. Sau bao thăng trầm của cuộc đời, ông vẫn sống lạc quan, tích cực, như một cựu chiến binh, một công dân gương mẫu, 100 tuổi ông vẫn tự đi xe máy ba bánh và thỉnh thoảng còn đi đánh tennis…
Xuất thân “Danh gia vọng tộc”
Đặng Văn Việt sinh năm 1920, là người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Gia đình ông có nhiều người nổi tiếng. Tổ tiên ông là danh tướng Đặng Tất, Đặng Dung thời Hậu Trần. Ông nội của ông là Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy (khoa Giáp Thìn – 1904), từng làm Tế tửu Quốc tử Giám. Bà nội của ông là bà Cao Thị Bích, con gái của Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục. Cha ông là Phó bảng Đặng Văn Hướng (khoa Kỷ Mùi 1919), Tham tri Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn, Tổng đốc Nghệ An thuộc chính phủ Trần Trọng Kim. Từ năm 1947, cụ Hướng là Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh trong Chính phủ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
Mẹ của Đặng Văn Việt là bà Hoàng Thị Hiến, con gái đầu của cụ Hoàng Đạo Phương. Cụ Phương chính là anh ruột học giả Hoàng Đạo Thúy. Hai người dì đều lấy những nhân vật nổi tiếng như bà Hoàng Thị Hảo lấy ông Trịnh Văn Bính (từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính) hay bà Hoàng Thị Minh Hồ lấy thương gia Trịnh Văn Bô – người đã đóng góp cho Cách mạng và kháng chiến mấy nghìn cây vàng, chủ ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng.
Thời niên thiếu, do truyền thống và điều kiện gia đình, Đặng Văn Việt theo học trường Quốc học Huế, nơi cha ông làm quan tại đây. Đỗ tú tài toàn phần năm 1942, Đặng Văn Việt ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương.
Người treo cờ tại cổng Ngọ Môn trong Cách mạng Tháng Tám
Nhưng đó cũng là thời gian diễn ra biến cố Nhật đảo chính Pháp, Trường Y khoa phải đóng cửa. Đặng Văn Việt phải cùng một số bạn hữu trở về Huế. Tuổi trẻ sôi nổi lại sẵn có tinh thần yêu nước, anh đã tham gia các khóa huấn luyện của Đoàn Thanh niên tiền tuyến và hoạt động Việt Minh bí mật trong lớp học. Đồng môn của Đặng Văn Việt tại đây sau này có nhiều người đã trở thành tướng lĩnh và chỉ huy cao cấp trong Quân đội ta như Cao Văn Khánh, Cao Pha, Võ Quang Hồ, Phan Hàm, Nguyễn Thế Lam, Đoàn Huyên…
Đặc biệt, ngày 17/8/1945, khi Mặt trận Việt Minh lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền tại thành phố Huế, Đặng Văn Việt đã vinh dự cùng người bạn học là Cao Pha được giao nhiệm vụ treo cờ Việt Minh trước cửa Ngọ Môn, đánh dấu Cách mạng thành công tại cố đô Huế!
Với năng khiếu quân sự hiếm có, lại có nền tảng kiến thức tổng quát và quân sự cơ bản được đào tạo, cho nên ngay sau khi Pháp tái chiến Đông Dương, Đặng Văn Việt đã tham gia quân đội và trở thành một trong những chỉ huy khi còn rất trẻ. Chàng trai được chỉ định làm Phân đội trưởng phân đội gồm 36 người của Giải phóng quân, trấn giữ tại cửa Thuận An. Tại đây, anh đã mưu trí chỉ huy đơn vị bao vây chiếc tàu đầu tiên của Pháp định quay lại chiếm Huế, bắt sống một Đại úy Pháp, thuộc Trung đoàn do tướng Alessandri chỉ huy.
Sau khi quân Pháp chiếm Huế, Đặng Văn Việt được giao trọng trách làm Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 9 (Hạ Lào, 1945), rồi Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 7 (Thượng Lào, 1946). Anh đã cùng đơn vị thực hiện nhiều cuộc giao chiến ác liệt, ngăn chặn hiệu quả bước tiến của quân Pháp…
Năm sau, Đặng Văn Việt được cấp trên điều ra Bắc công tác ở trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, rồi về Ban Nghiên cứu trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. Cũng năm đó, theo yêu cầu của chiến trường, anh được cử làm phái viên Mặt trận đường số 4. Nhờ thành tích xuất sắc, anh đã được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 128.
“Hùm xám đường số 4”
Chính nơi đây, bằng sự mưu trí dũng cảm, Đặng Văn Việt đã chỉ huy đơn vị hoạt động dọc tuyến đường số 4, tổ chức nhiều trận phục kích và công đồn, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng quân Pháp, góp phần phá tan âm mưu kế hoach của chúng đánh chiếm chiến khu Việt Bắc. Do những chiến tích lẫy lừng trên đường số 4, đặc biệt với các trận phục kích trên đèo Bông Lau từ năm 1947 đến 1949, tiêu diệt hơn 100 xe giới quân sự Pháp, nhân dân vùng Cao – Bắc – Lạng xưng tụng ông là “Đệ tứ lộ Đại vương”, còn các binh sĩ Pháp gọi ông với nhiều biệt danh khác nhau như “Hùm xám đường số 4” (le Tigre gris de la RC4), hoặc “Tiểu tướng Napoléon” (mon petit Napoléon)…
Ngày 19/8/1949 , khi Trung đoàn 174, một trong những Trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta được được thành lập, trên cơ sở hợp nhất lực lượng của 3 trung đoàn thuộc 3 tỉnh: Trung đoàn 74 (Cao Bằng), Trung đoàn 72 (Bắc Cạn), Trung đoàn 28 (Lạng Sơn)… Đặng Văn Việt vinh dự được giao trong trách Trung đoàn trưởng đầu tiên và đồng chí Chu Huy Mân làm chính ủy đầu tiên.
Chưa đầy một tháng sau, ngày 16/9/1950, Đặng Văn Việt đã chỉ huy đơn vị, phối hợp với Trung đoàn 209, chủ động đánh chiếm cứ điểm Đông Khê, mở đầu Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, sau đó bao vây cô lập Cao Bằng, uy hiếp cứ điểm Thất Khê và phá thế trận phòng thủ của quân Pháp trên đường số 4. Chỉ trong vòng một tháng, chiến dịch kết thúc với thắng lợi rực rỡ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, với bắt sống cả hai chỉ huy binh đoàn Pháp là các Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton đã đưa tên tuổi Đặng Văn Việt đi vào lịch sử quân đội ta và là niềm tự hào của người dân Cao Bằng – Lạng Sơn.
Sau chiến dịch Biên giới, Đặng Văn Việt còn tiếp tục chỉ huy Trung đoàn tham gia nhiều chiến dịch lớn khác như chiến dịch Tây Bắc (1952), chiến dịch Hòa Bình, phá hủy căn cứ đồng bằng Bắc bộ của quân Pháp (1952)…
Những thăng trầm của lịch sử
Nhưng đầu năm 1954, do sự ấu trĩ, cứng nhắc của chính quyền địa phương, gia đình Đặng Văn Việt đã trở thành nạn nhân của cuộc đấu tố trong cải cách ruộng đất. Cha ông là cụ Đặng Văn Hướng bị đội giảm tô đấu tố tại quê nhà, mặc dù chưa có lệnh nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh bãi miễn chức (khi ấy cụ đang đương chức là Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh trong Chính phủ) gia đình bị ly tán khắp nơi.
Bản thân Đặng Văn Việt đã phải thôi chỉ huy Trung Đoàn và điều sang Trung Quốc làm Trưởng phòng Huấn luyện của Trường Lục quân Việt Nam. Khi từ Trung Quốc trở về Việt Nam, ông tiếp tục làm Trưởng phòng Huấn luyện ở Trường Lục quân. Năm 1958, ông được phong quân hàm trung tá. Năm 1960, ông xuất ngũ và được điều sang làm Cục phó Cục Vật liệu xây dựng, rồi Cục phó Cục Xây dựng cơ bản thuộc ngành Thủy sản đến khi nghỉ chế độ.
Sau khi về hưu, vốn là người thẳng thắn và liêm khiết, nên cuộc sống gia đình của Đặng Văn Việt gặp rất nhiều khó khăn. Có thời gian ông còn phải đạp xe đưa bánh kẹo và bỏ mối kiếm thêm. Người vợ mất sớm, những ngày cuối đời, Đặng Văn Việt sống cùng vợ chồng người con trai Đặng Việt Hùng. Họ thuê một căn hộ chung cư của một người quen, trong ngõ Hoà Bình, phố Minh Khai, Hà Nội.
Tuy nhiên, với tính lạc quan và cộng với nền tảng giáo dục của gia đình, kể cả những lúc khó khăn nhất, Đặng Văn Việt vẫn luôn sống lạc quan và suy nghĩ tích cực. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã có tinh thần học tập và phát triển kiến thức tốt; nói thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và đọc được cả hai cổ ngữ là chữ Latin, thậm chí cả chữ Hy Lạp cổ… Thời gian công tác trong ngành xây dựng, ông còn học thêm bằng kỹ sư.
Vinh quang và huyền thoại một người lính
Đặc biệt, từ năm 1985, Đặng Văn Việt bắt đầu bước vào sự nghiệp văn chương. Do từng là một trong những sĩ quan cao cấp và một trong những chỉ huy đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội và từng có thời gian gắn bó với chiến trường đường số 4, ông đã viết và dịch nhiều cuốn sách liên quan đến con đường lịch sử này.
Đặc biệt, với tác phẩm “Đường số 4 rực lửa”, Đặng Văn Việt đã được tặng giải thưởng cao nhất của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999. Hồi ký được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân viết lời tựa và Đại tướng Hoàng Văn Thái viết lời giới thiệu. Một số tác phẩm của mình còn được Đặng Văn Việt tự dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh để giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Giữa tháng 7/2021, tôi cùng bà Phạm Kiều Phượng, 80 tuổi, con gái của liệt sĩ Phạm Văn Bái (tức Đại đội trưởng Ngọc Long) đã hy sinh trong trận công đồn Mạo Khê Mỏ năm 1951, đến thăm cụ Đặng Văn Việt trong một căn hộ chung cư tại ngõ Hoà Bình 6, phố Minh Khai. Cụ Việt đã yếu hơn nhiều. Vậy mà Tết vừa rồi, cụ còn đến tận trường quay Đài Truyền hình Việt Nam để tham dự chương trình Chào Xuân Tân Sửu phát sóng trực tiếp. Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn thấy cụ trực tiếp phóng chiếc xe ba bánh đến thăm một số bạn bè, bà con tại Hà Nội…
Đã 102 tuổi, nên cụ Việt nói chuyện khó khăn, nhưng vẫn nghe được câu chuyện, nhận biết khách đến thăm. Mãi tới khi chúng tôi chào ra về, cụ mới hỏi nhỏ, chậm rãi:
– Thế có mang quà gì không?
– Có ạ, hoa quả sạch, sữa bột và cả rượu vang nữa!
– Thế hả. Cảm ơn nhé!
Thật vui và cảm động.
Đó cũng là lần gặp cuối cùng của chúng tôi. Trái tim người lính già Đặng Văn Việt đã ngừng đập lúc 0 giờ 55 phút ngày 25/9/2021, tại Hà Nội, hưởng Đại thọ 102 tuổi. Đám tang ông được tổ chức sáng 27/9 tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, trong điều kiện dịch bệnh đơn giản mà trang trọng. Đặng Văn Việt chỉ có quân hàm Trung tá, nhưng sinh thời, lúc ốm đau nhiều tướng lĩnh đã trực tiếp đến thăm và cúi đầu trước ông. Khi Đặng Văn Việt mất, nhiều người đã đến thắp hương vĩnh biệt, người ở xa thì gửi vòng hoa kính viếng ông…
Xin vĩnh biệt một huyền thoại người lính với số phận bi hùng!
(Tác giả Đặng Vương Hưng)